Sáng 26-7, cuộc hội thảo chuyên đề về kinh tế số trước thềm Diễn đàn kinh tế tư nhân đã diễn ra sôi nổi bởi nhiều ý kiến tranh luận giữa DN và đại diện cơ quan quản lý nhà nước.
Một cổ hai tròng
Là người đầu tiên phát biểu, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc nói: Hiện nay vẫn còn tình trạng phân biệt các thành phần kinh tế khi tham gia các chương trình tin học hóa cho khu vực công quyền. Đồng thời, còn có nhiều dự án hạn chế DN tư nhân tham gia. Các cơ quan cũng có việc trợ giá không lành mạnh cho các DN nhà nước.
Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc nói rằng "chỉ thị miệng" làm cho DN tư nhân bị phân biệt đối xử. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Những hiện tượng này không có văn bản cụ thể mà chỉ dùng “chỉ thị miệng”" -ông Ngọc nói thẳng.
Ông Ngọc cũng đề xuất bỏ phí viễn thông công ích. “Công ích thì Nhà nước nên chủ động làm, không nên quy định cho DN, không nên bắt DN tham gia” - ông Ngọc nói.
Theo ông Ngọc, DN viễn thông hiện phải đóng phí thương quyền và phí viễn thông công ích. Gọi tình trạng này là “một cổ hai tròng”, ông Ngọc đề nghị: “Sau khi nộp các nghĩa vụ thuế, phí với Nhà nước, việc đóng góp công ích nên xuất phát từ tính tự nguyện của DN. Việc đóng góp dựa theo % doanh thu là không hợp lý”.
Tổng Giám đốc FPT còn đề nghị thay thế Nghị định 102/2009 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng đơn giản hơn. Bởi lẽ cho đến nay nghị định này và cả những dự thảo sửa đổi mới nhất cũng đang còn tồn tại nhiều thủ tục rối rắm, gây khó cho DN.
“Nếu không bỏ Nghị định 102, xây dựng một nghị định khác thay thế thì cực kỳ vướng cho DN” - ông Ngọc nói.
Đồng tình, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC, cho rằng tinh thần là phải xây dựng một nghị định mới, chứ không thể “cơi nới, sửa chữa” bởi nghị định này có quá nhiều bất cập.
“DN soạn nghị định được không?”
Trước những ý kiến của DN, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng vấn đề hiện nay là chính sách có nhiều vướng mắc.
Ngày 31-12-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 136/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2016 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, phạm vi điều chỉnh có quản lý đầu tư ứng dụng CNTT nên nếu nói trong năm qua vướng mắc do Nghị định 102 là không đúng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp các vướng mắc, trong đó có quản lý chi phí, quản lý chất lượng nên Bộ TT&TT có văn bản hướng dẫn cần triển khai theo Nghị định 136, vận dụng Nghị định 102 và các văn bản hướng dẫn Nghị định 102 nếu thấy phù hợp và không trái với Nghị định 136.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh nói phải mất mấy năm mới ra được dự thảo sửa đổi Nghị định 102. Ảnh: CHÂN LUẬN
Tuy vậy, ông Hạnh cũng thừa nhận Nghị định 102 còn có hạt sạn. “Có thể là do nhiều yếu tố, do là lần đầu tiên có nghị định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT” - ông Hạnh nói.
Viện dẫn Nghị quyết 36a của Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử, ông Hạnh cho biết Văn phòng Chính phủ đã được giao phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 102 và tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến, đề xuất DN.
“Nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào của DN” - ông Hạnh nói.
Ông Chính cũng như ông Ngọc tranh luận lại và cho rằng: Nghị định 136 là hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công chứ không hề thay thế Nghị định 102. Ông Hạnh thì cho rằng những dự án ứng dụng CNTT thì áp dụng Nghị định 136 nhưng cũng có thể vận dụng Nghị định 102.
Ông Nguyễn Trung Chính nói DN vẫn "một cổ hai tròng". Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Chính nói lại ngay: “Như vậy rõ ràng DN một cổ hai tròng, khó khăn sẽ tăng lên gấp đôi. Nếu Nghị định 136 có thể thay thế Nghị định 102 rồi thì cần gì áp dụng Nghị định 102 nữa”.
Sau đó, cuộc thảo luận lại tiếp tục tập trung vào việc sửaT đổi Nghị định 102. Ông Hạnh nói rằng dự thảo nghị định nào DN cũng có nhiều ý kiến không đồng tình. Bộ phận chuyên môn của Bộ TT&TT đã ngồi bàn mấy năm mới ra được dự thảo ấy.
“Nếu được thì DN có thể giúp Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT cùng xây dựng nghị định được không?” - ông Hạnh hỏi ông Ngọc. Ông Ngọc nói ngay: “Vậy cũng được! Nhưng tức là chúng ta đang làm quy trình ngược. Trước đây là cơ quan soạn thảo nghị định, DN góp ý. Còn bây giờ là DN soạn thảo nghị định, Nhà nước góp ý”.
Thừa nhận rằng việc này là không đúng bổn phận và chức năng của DN nhưng ông Ngọc khẳng định nếu Bộ đồng ý để DN soạn thảo nghị định thì DN sẽ soạn rất nhanh và nếu Thủ tướng đồng ý là có thể thực thi ngay.
Tuy vậy, gần cuối hội thảo, ông Ngọc cũng nói lại rằng: “DN thì chỉ kinh doanh, còn ban hành chính sách là Nhà nước”.
Thủ tướng sẽ phát biểu tại diễn đàn
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 31-7, tại Hà Nội. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5”.
Nguồn tin từ ban tổ chức diễn đàn cho hay: Thủ tướng sẽ dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành rà soát những vướng mắc, khó khăn để có phương án giải đáp cho các DN khi thảo luận tại diễn đàn.
Theo Plo.vn