Chủ tịch Trương Gia Bình ví FPT như “sư tử”
Trên trang tin của FPT đã đưa bài viết với nhận định "FPT là con sư tử". Đây là câu trả lời khi một nhân viên của FPT đặt câu hỏi với Chủ tịch Trương Gia Bình: FPT là con gì?
Chủ tịch FPT giải thích, đầu tiên, sư tử săn toàn con to. Trải nghiệm cho thấy, FPT làm với các công ty nhỏ thường không mấy hiệu quả. Dẫn chứng, Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng ở Mỹ, Đức hay Nhật, FPT đang là đối tác với các "gã khổng lồ" trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, hàng không hay ôtô.
“Sư tử không bắt mấy con bé. Trong khi đó, rất nhiều con đòi bắt mình”, ông Bình hào hứng lý giải, hổ là loài sống và săn mồi đơn độc. Hổ săn mồi theo chiến thuật rình và vồ. “Còn sư tử bắt mồi bằng trí tuệ tập thể, vây là chết”, ông Bình nói.
Theo Chủ tịch FPT, về nguyên tắc, các con vật ăn thịt không chạy nhanh và bền bằng loài ăn cỏ. “Ngựa chạy cả ngày nhưng hổ chạy khoảng 2 phút là thè lưỡi. Tương tự, sư tử cũng không chạy nhanh nên phải đi cả đàn”.
Theo ông Bình, các phẩm chất của FPT tương đồng với sư tử. “Và trông nó cũng hoành tráng”, Chủ tịch FPT kết luận trong tràng vỗ tay của người tham dự.
Trước đó, anh Nguyễn Thành Nam, cựu CEO FPT, hiện là Phó Chủ tịch Đại học FPT, là người điều hành phiên “Đối thoại doanh nghiệp tỷ USD” với sự góp mặt của lãnh đạo Vietjet Air, Masan Group, Thế giới Di động. Phiên tọa đàm nằm trong lễ vinh danh “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2016” do Tạp chí Nhịp cầu Cầu tư tổ chức.
Thú vị nhất là khi anh Nguyễn Thành Nam hỏi các khách mời rằng: “Nếu được ví công ty quý vị đang điều hành với một loài vật, đó là con gì?”. Câu hỏi bất ngờ này khiến các khách mời vô cùng ngạc nhiên nhưng đây được đánh giá là câu hỏi hay nhất của buổi tọa đàm khi tinh thần, sứ mệnh và chiến lược của doanh nghiệp đều được bộc lộ rất rõ trong câu trả lời. Để gỡ bí cho các diễn giả, anh Nam tiết lộ tập đoàn IBM tự ví mình như một con voi.
“Thế giới Di động như một con báo gấm”, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đưa ra câu trả lời khi hội trường im bặt. “Đây là con vật mà khi cần tăng tốc thì sẽ đạt tốc độ 180 km/h trong 15 giây đầu tiên, rồi sau đó… đuối (cười). Báo gấm cũng có khả năng leo cây và bơi dưới nước. Khả năng tăng tốc và thích nghi với môi trường tương đối nhanh”, ông Tài trả lời. Trong khi đó, ông Lâm ví Masan như một con heo rừng vì tốc độ nhanh hơn cả báo.
Nếu ông Tài và ông Lâm đều lần lượt ví doanh nghiệp mình với báo gấm và… heo rừng với độ nhanh nhạy với thị trường luôn được chú trọng thì ông Lưu Đức Khánh, đại diện Vietjet lại gây bất ngờ và khiến cả khán phòng rộn tiếng vỗ tay khi xem Vietjet là hiện thân của loài chim bồ câu.
Theo ông Khánh, chim bồ câu không những phù hợp với ngành hàng không vốn luôn bay cao, bay xa mà bởi chính tính cách hòa nhã của loài vật này mới miêu tả chính xác tính cách thương hiệu và chiến lược của Vietjet. “Vietjet chỉ đơn giản là thực hiện sứ mệnh hiện thực hóa ước mơ được bay của mọi người dân Việt Nam, biến hàng không trở thành phương tiện đi lại phổ biến và văn minh”, ông Khánh chia sẻ.
Vài năm trước, một chuyên gia viễn thông cũng đã đề cập đến chuyện ví von các doanh nghiệp ICT. Vị chuyên gia đó từng ví FPT là con sư tử bởi giống sư tử con nào cũng dũng mãnh và có khả năng săn mồi. Ông này cũng ví Viettel như loài sói bởi loài sói cần mẫn, chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt, theo con mồi tới cùng và có tính bầy đàn cao. Việc tấn công của loài sói lại phụ thuộc vào con sói đầu đàn.
Khi được hỏi về những doanh nghiệp ICT lớn khác thì vị chuyên gia này cho rằng các doanh nghiệp đó có chiến lược và văn hóa chưa đủ rõ nét để định nghĩa về sức mạnh mang tính biểu trưng của các loài vật.
Việc so sánh này chỉ mang hàm ý biểu trưng sức mạnh của mỗi doanh nghiệp tương ứng với sức mạnh của các con vật ở trong tự nhiên.
Theo Ictnews.vn