Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC sẽ có buổi giao lưu với các doanh nghiệp trong Hiệp hội Inernet để bàn về các vấn đề xoay quanh Cách mạng 4.0
Trong lịch sử, thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng lớn là cuộc cách mạng công nghiệp cơ khí chạy bằng hơi nước năm 1784, cuộc cách mạng sử dụng điện năng để sản xuất quy mô lớn năm 1870 và cuộc cách mạng tự động hóa sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và điện tử năm 1969. Giờ đây, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang được tiếp nối, được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, IoT, Big Data, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới...
Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam sẽ tập trung phát triển mạnh vào trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, công nghệ in 3D, đây được coi là xu thế phát triển tất yếu trong tương lai của Việt Nam. Bởi thế hệ công nghệ mới này giúp nâng cao hiệu suất lao động, cải thiện chất lượng sống của con người, tuy nhiên, ngay thời điểm này, doanh nghiệp Việt cần sớm có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể.
Tại buổi giao lưu này, ông Nguyễn Trung Chính sẽ đề cập đến các vấn đề như Việt Nam đang ở đâu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. CMC và các doanh nghiệp công nghệ sẽ chuẩn bị gì cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra các kết nối số mọi lúc mọi nơi và trí tuệ máy - robot tạo ra robot, tạo ra lực lượng cạnh tranh và thay thế con người ở mọi cấp độ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến cả các nước phát triển và đang phát triển. Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, nơi hầu hết mọi người đều có thể truy cập Internet để lấy thông tin, kiến thức thông qua các thiết bị di động.
Giá trị của CNTT đem lại cho cuộc sống là thông qua những phần mềm ứng dụng, việc sử dụng những phần mềm cho các hoạt động của doanh nghiệp nói chung ngày càng nhiều được gọi là chuyển dịch số hóa (digital transformation). Việc số hóa này đem lại những lợi ích rất cụ thể cho doanh nghiệp như cải tiến các quy trình nhằm rút ngắn thời gian công việc, tăng tính kiểm soát đối với công việc, hạn chế rủi ro…
Đại diện CMC cho biết, trước sự thay đổi của thời cuộc, là một trong những tập đoàn công nghệ năng động, CMC đã quyết định “lột xác” để thay đổi, đón đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công nghệ số hoá toàn cầu. Theo đuổi chiến lược “Hướng tới tương lai số”, CMC đồng hành cùng khách hàng trong việc đi trước, chuyển đổi, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế và cải thiện tỉ suất lợi nhuận. Vì vậy, đầu năm 2017, CMC đã quyết định công bố chiến lược phát triển và nhận diện thương hiệu mới. Theo đó, CMC xác định tập trung vào 3 nguồn lực chính: Tích hợp hệ thống, Phần mềm, Viễn thông.
Trước đó, Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức giao lưu giữa các thành viên trong hiệp hội với với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel và ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT liên quan đến chủ đề làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập toàn cầu. Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, đây là hoạt động thường xuyên của Hiệp hội Internet Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm, gắn kết các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội này.
Theo Ictnews.vn