Hiện nay khi đi vào tòa nhà điều hành của công viên phần mềm Quang Trung, hệ thống camera sẽ ghi nhận biển số xe, sắp tới sẽ ứng dụng tìm chỗ đậu xe thông minh. Vào tòa nhà, sẽ có ứng dụng nhận diện gương mặt để phân tích nhân viên hay khách ghé thăm và cho vào phòng. Ở vài văn phòng có áp dụng smarthome, các đèn sẽ bật sáng khi có người. Ngoài ra, có thể kiểm tra một lượt tình hình hoạt động văn phòng thông qua camera giám sát, sử dụng phần mềm để xem ý kiến khách hàng hay luồng xử lý công việc của nhân viên… và nhiều ứng dụng khác trên nền tảng IoT sẽ được ứng dụng trong năm nay.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), cho biết trong tháng 6 sẽ hoàn thành 4 bãi đỗ xe đạp trong khuôn viên công viên, giúp khách hàng và nhân viên trong nội khu có thể di chuyển dễ dàng qua các tòa nhà.
Các xe sẽ được quản lý bằng phần mềm, để biết số lượng xe, định vị xe trên bản đồ… Việc này sẽ tạo thêm tiện ích thêm cho “đặc khu” phần mềm của TP.HCM, nhưng đằng sau nó là việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ. Nếu việc ứng dụng thành công, có thể đề xuất áp dụng nhiều khu vực khác trên toàn thành phố.
Bên cạnh đó, một đề án lớn và tâm huyết của QTSC chính là nông nghiệp công nghệ cao. Khu nông nghiệp áp dụng công nghệ này dự kiến khai trương tuần 3 của tháng 6. Khu thí điểm này hiện đã hoàn thành 40%, lắp đặt xong nhà màn và các thiết bị phụ trợ, sắp tới sẽ làm thêm thủy canh – ứng dụng thủy canh để trồng rau.
Ông Long cho biết làm việc với 4-5 đối tác khác nhau, là các doanh nghiệp đang hoạt động tại QTSC, nhằm đa dạng hóa mô hình canh tác. Từ đó chuyển giao công nghệ cho nông dân áp dụng trồng trọt. Mục tiêu là giảm giá hết mức có thể để nhiều người tiếp cận được hình thức canh tác nông nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ.
QTSC sẽ đóng góp về hạ tầng cho dự án, trong khi các đối tác khác sẽ xây dựng phần mềm quản lý, cung cấp nhà màn, phân bón, giống,…
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC
“Với nền tảng phân tích dữ liệu lớn, những nhà màn nào, mô hình trồng trọt nào đạt hiệu suất cao nhất sẽ được dùng như tiêu chuẫn mẫu để áp vào những lần canh tác sau, nhằm tạo năng suất cao nhất”, ông Long nhấn mạnh.
Giám đốc QTSC cho biết nếu mô hình nông nghiệp công nghệ cao áp dụng thành công, sắp tới sẽ triển khai sang các lĩnh vực khác, như thực phẩm, dữ liệu lớn… chẳng hạn.
“Mục tiêu của QTSC là trở thành nơi cung cấp giải pháp về công nghệ. Mỗi khi nhắc đến những công nghệ, nền tảng mới áp dụng thì mọi người nghĩ đến QTSC”, ông Long chia sẻ.
Bên cạnh bãi xe đạp và khu nông nghiệp công nghệ cao, QTSC đang hướng tới hoàn thành ứng dụng cho khoảng 20.000 người đang làm việc tại đây. Hiện nay, công viên phần mềm đang dùng tin nhắn SMS, email để gửi thông tin đến mọi người, như các thông tin cúp điện, cúp nước, lịch hoạt động… nhưng sắp tới mọi thứ sẽ đưa lên ứng dụng. Bên cạnh các thông tin cơ bản đã nêu, app được xây dựng có thể cung cấp thông tin chất lượng nước từ các cảm biến được đặt trong hệ thống ống nước tại QTSC. Hoặc người làm việc tại đây có thể dùng ứng dụng trên di động để được khuyến mại, giảm giá ở những điểm có hợp tác với QTSC trên toàn quốc.
“Mục tiêu áp dụng IoT cho QTSC tựu trung nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng và nhà đầu tư đang hoạt động tại QTSC. Chính động lực phải phục vụ này sẽ khiến QTSC nâng cao năng lực quản lý. Do đó chúng tôi sẽ tích cực ứng dụng những công nghệ mới, từ đó hoàn thiện dần”, ông Long nói.
Trừ những doanh nghiệp quá lớn như Microsoft, Facebook, Google,… đã rất mạnh trong việc áp dụng công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp hay quốc gia khác cũng đều khá mới mẻ đối với big data hay IoT. Do đó lợi thế lớn của QTSC hay cả khối chính quyền lẫn doanh nghiệp Việt Nam chính là mọi nơi đều đang ở xuất phát điểm. Chỉ cần tích cực học hỏi và áp dụng công nghệ thì có thể ứng dụng, làm chủ được cuộc chơi cách mạng công nghiệp sắp tới, Giám đốc QTSC phân tích.
“Máy tính cũng do người ta làm, phần mềm cũng do người ta viết, bây giờ dữ liệu phải là của mình, do mình làm chủ”, ông Long nói về việc điện thoại, laptop, PC đều có phần cứng lẫn phần mềm do nước ngoài sản xuất. Do đó dữ liệu bên trong các thiết bị đó nhất thiết phải do người Việt quản lý, phân tích, không thể tiếp tục để nó thành công cụ cho ai khác.
“Nếu 5 năm trước nói về đô thị thông minh, thiết bị IoT thì còn xa vời, nhưng hiện nay là thời điểm rất thích hợp để thực hiện. Các thiết bị giờ đây đã thông minh hơn, kết nối với nhau dễ dàng hơn, công nghệ rẻ hơn. Cơ hội này không thể bỏ qua”, người đồng thời có tên trong Ban điều hành dự án Đô thị thông minh của TP.HCM khẳng định.
Trong năm năm qua tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp hoạt động tại QTSC gấp hai lần. Nếu trước năm 2012 chưa từng có công ty nào quy mô trên 1.000 nhân sự thì hiện nay có 5 công ty đã vượt mốc 1.000 người. QTSC đang trở thành chỉ dẫn địa lý cho ngành phần mềm, là điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn tìm đối tác phần mềm tại Việt Nam. Sắp tới, ông Long cho biết sẽ định hướng nội địa nhiều, triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp sức thị trường trong nước phát triển, trở thành nơi cung cấp các giải pháp công nghệ cho toàn thị trường.
Theo Ictnews.vn