Trong phần trình bày về "Hiện trạng vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu tại Việt Nam", đại tá, tiến sỹ Nguyễn Viết Thế đã cho biết, chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2007, đã có hơn 20 website bị tấn công với các hình thức tấn công phổ biến là tấn công trực tiếp, gián tiếp và tấn công tên miền. Điều này đã chứng tỏ 2007 sẽ là một năm nóng bỏng tiếp theo của an ninh mạng Việt Nam.
Ông thống kê có tới 26% website tại Việt Nam có thể gặp nguy hiểm với hình thức tấn công trực tiếp. Đưa dẫn chứng từ BKIS, trong năm 2006, trong tổng số 340 website của các cơ quan, doanh nghiệp có tên tuổi mà BKIS kiểm tra thì có tới 90 trong số đó có lỗ hổng. Đó cũng là lý do giải thích tại sao chỉ riêng 2006, Việt Nam đã có 235 trang web có tên miền .vn bị các hacker ngoại "ghé thăm". Rồi tình hình thương mại điện tử Việt Nam "điêu đứng" vì tội phạm mạng. Đã có hàng loạt cuộc tấn công trên mạng hướng vào các doanh nghiệp hoạt động Thương mại điện tử gây nhiều trở ngại cho thị trường còn rất non trẻ của Việt Nam. 2006 cũng là năm đã bước đầu hình thành những đường dây tội phạm công nghệ cao xuyên lục địa, khép kín, chuyên đánh cắp tài khoản tín dụng, rửa tiền và hành xử theo luật riêng của giới cashout...
Gác lại một năm 2006 đầy sóng gió, những vấn đề "nóng" của an ninh mạng 2007 theo đại tá, tiến sỹ Nguyễn Viết Thế tập trung chủ yếu ở vấn đề bảo mật thiết bị di động. Sự phổ biến của điện thoại thông minh trong năm này sẽ thôi thúc tội phạm chuyển mục tiêu từ môi trường máy tính sang thiết bị di động. Những công nghệ kế nối không dây như Bluetooth và Wifi đang ẩn chứa nhiều mối đe dọa. Rồi còn xuất hiện cách phát tán virus qua thẻ nhớ hay còn gọi là SMishing...
Quả thực có quá nhiều những nguy cơ và vấn đề cần được quan tâm, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Từ vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu, đảm bảo an toàn an ninh thông tin tới hành lang pháp lý cần thiết cho lĩnh vực còn đang rất mới mẻ này nhất là khi Việt Nam bước vào giai đoạn Hội nhập WTO. Tất cả vẫn là những câu hỏi cần sớm có lời giải.
Ngay bản thân đại tá, tiến sỹ Nguyễn Viết Thế khi trả lời báo giới cũng phải thừa nhận rằng, những thông tin về vấn đề xâm phạm mạng, an ninh, an toàn bảo mật... tác hại của nó đã báo động cho cả cộng đồng công nghệ thông tin. Do vậy, ngay từ khá sớm, Bộ Công an đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tư pháp để hoàn thiện hành lang pháp lý về chứng cứ điện tử để có thể răn đe, trấn áp, đủ bằng chứng để tuy tố những tội phạm về mạng như hacker xâm nhập, đánh cắp thông tin, phá hoại dữ liệu trong hệ thống thông tin... Tuy nhiên, để tránh được tình trạng có bệnh rồi mới chữa như hiện nay, quan trọng nhất vẫn phải là nhận thức và chủ động đối phó.
Sự chủ động rất cần thiết đối với những người làm nhiệm vụ xây dựng hệ thống bảo mật thông tin phục vụ cho mục đích hoạt động của cơ quan mình. Họ phải chủ động từ việc nhận thức được tầm quan trọng của an ninh, an toàn hệ thống, phải đầu tư ngay từ đầu khi xây dựng hệ thống CNTT một chính sách đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, rồi triển khai các giải pháp kỹ thuật. Mặc dù vấn đề này tốn nhiều tiền của và công sức nhưng nếu doanh nghiệp, tổ chức, cũng như cá nhân không nhận thức được tài sản của mình quý giá, không triển khai những việc đó sẽ dẫn đến bị động - Đại tá Nguyễn Viết Thế cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh ý thức cần được nêu cao, với góc nhìn khác, PGS.TS Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp lại khiến chúng ta phải quan tâm tới một số vấn đề trong lĩnh vực tội phạm mạng với góc nhìn từ pháp lý. Thứ trưởng cho biết, hiện nay trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, bên cạnh việc quy định về tội phạm mạng trong Bộ Luật hình sự, một số văn bản khác cũng đã có quy định về các hành vi bị cấm trong CNTT nói chung và công nghệ mạng nói riêng tại Luật CNTT, Luật Sở hữu trí tuệ, rồi Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông... cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Song với tầm quan trọng của an ninh mạng trong thời đại Internet, với tính chất nguy hiểm và khá năng phá hoại của các loại tội phạm mạng, tội phạm tấn công công nghệ cao, những quy định được xây dựng trong các văn bản đó vẫn còn nhiều điểm bất cập.
Bất cập đầu tiên được nhắc tới là quá tản mạn, rồi quy định của pháp luật Việt Nam còn rất thiếu, chưa bao trùm hết các loại vi phạm đã và đang diễn ra trong thực tế; các quy định về tội phạm mạng hiện nay còn quá chung chung. Ba bất cập này dẫn tới hệ quả là bất cập thứ tư, các cơ quan áp dụng pháp luật còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi vi phạm thông qua mạng tin học. Để khắc phục tình trạng này, cơ sở pháp lý quan trọng nhất và cũng là giải pháp đầu tiên được đưa ra đó là phải nhanh chóng hoàn thiện các quy định về loại tội phạm này trong Bộ Luật Hình sự; hoàn thiện pháp luật về tố tụng; và để đấu tranh với loại tội phạm mang tính xuyên quốc gia này, việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm cũng cần phải được quan tâm đúng mức.
Trong khuôn khổ hội trường cùng với lượng khách mời dự kiến, dường như, các nhà đồng tổ chức: Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Công an và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG đã không lường trước được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia và người dùng CNTT đối với an ninh mạng và bảo mật dữ liệu khiến trong buổi sáng qua, nhiều khách đến muộn đã phải chấp nhận ngồi phía ngoài hành lang hội trường. Một khách mời và cũng là chuyên gia CNTT cho biết, điều họ quan tâm nhất từ Hội thảo mang tầm quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu 2007 không phải là những báo cáo chỉ nằm trên giấy mà phải được hiện thực hoá bằng những chương trình hành động cụ thể có được sau một ngày rưỡi diễn ra hội thảo này.
Theo Vnmedia