Việt Nam đứng số 1 thế giới về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện. Ảnh minh họa: Internet
Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải trình rõ thêm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến việc đảm bảo an toàn thông tin mạng và xử lý thông tin xấu, độc trên mạng.
Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta cần nhìn thẳng vào một sự thật là phát triển CNTT rất nhanh, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, cũng có hai mặt: 1 mặt là khuyến khích phát triển nhưng một mặt là phải có giải pháp để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
"Chúng ta phải nhìn vào thực tế, Việt Nam là một trong những nước thuộc top đầu bị mất an toàn an ninh thông tin. Tôi xin cảnh báo điều này". Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Việc mất an toàn, an ninh thông tin mạng vô cùng nguy hiểm. Hiện nay, tất cả mọi nhà máy, công xưởng, công trình đều được kết nối mạng và khi mất an toàn, an ninh thì không chỉ lộ lọt bí mật mà quan trọng hơn mà còn có thể đánh sập, hay nắm quyền điều khiển hệ thống, gây khủng hoảng rất lớn về kinh tế xã hội và thậm chí là quốc phòng, an ninh.
Một dẫn chứng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra cụ thể là các chỉ số mà hãng bảo mật Kaspersky (Nga) công bố năm 2016. Trong đó xếp hạng Việt Nam đứng số 1 thế giới về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện khi có tới 71,85% các thiết bị tại chỗ bị nhiễm phần mềm độc hại. Việt Nam đứng thứ 10 thế giới về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua hình thức trực tuyến và đứng thứ 7 thế giới về tỷ lệ người bị tấn công bởi các phần mềm độc hại. Ngoài ra, tỷ lệ thư rác của Việt Nam trong những năm gần đây luôn luôn đứng trong top 3. Thậm chí, nếu chia theo đầu người thì Việt Nam đứng thứ 1.
Để giải quyết việc này, cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ khung pháp lý, các thiết chế, các giải pháp công nghệ. Thế nhưng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng: "Điều đặc biệt quan trọng như Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nói, đó là ý thức của người sử dụng. Cái này chúng ta kém nhất".
"Chúng ta có thể nghĩ đến những dự án đầu tư rất lớn, nghĩ ra luật pháp và các cơ quan, cơ chế, lực lượng để bảo vệ giống như xây một ngôi nhà. Nhưng nhiều khi tường và cửa chính làm bằng thép rất dày nhưng cửa sổ thì lại để trống. Thậm chí, có chuyên gia ví bỏ tiền xây nhà kín, song sắt hết nhưng chìa khóa treo ngay trước cửa".
Từ các thói quen sử dụng khi đưa USB vào máy hay thói quen lên mạng vào bất cứ trang mạng nào là click mà không cần đọc các cảnh báo dẫn đến tình trạng lây nhiễm như hiện nay.
Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Tới đây chúng ta sẽ phải làm mạnh mẽ hơn, không chỉ bằng việc tăng cường các giải pháp lớn lao như chúng ta vẫn thường nghĩ; mà điều quan trọng nhất là vai trò của Hiệp hội, các doanh nghiệp làm CNTT; các Hiệp hội, doanh nghiệp làm về an toàn thông tin và đặc biệt là phải tuyên truyền đến từng người sử dụng thì chúng ta mới có thể cải thiện được tình hình.
Ngoài việc nhấn mạnh các giải pháp để bảo đảm an toàn thông tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thông tin thêm về các thông tin xấu và độc trên mạng. Đây là một việc cũng đòi hỏi sự phối hợp rất đồng bộ, từ pháp luật đến những giải pháp làm việc với các cơ quan, các công ty cung cấp dịch vụ. "Nhưng quan trọng hơn hết cũng là phải đi vào giải pháp có tính quyết định, đó là chúng ta phải chủ động cung cấp những thông tin sự thật về những nội dung bị xuyên tạc. Tức là những thông tin chính thức phải được cung cấp rất kịp thời, đầy đủ.
Nếu so sánh tổng dung lượng thông tin trên mạng thì tỷ lệ thông tin có nội dung xấu và phản ứng của những người bị choáng ngợp, bị tin ngay vào những thông tin xấu đó theo điều tra của nhiều tổ chức quốc tế là đang giảm dần. Tức là chúng ta phải bằng cái tốt đấu tranh lại cái xấu; đồng thời với đó là các biện pháp xử lý nghiêm những người vi phạm như Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã trình bày". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo Ictnews.vn