Tính đến nay, đã có 11 bộ, ngành tham gia thực hiện cơ chế một cửa quốc gia với 37 thủ tục hành chính được đưa lên (Ảnh chụp màn hình giao diện Cổng thông tin điện tử một cửa điện tử)
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử quý I/2017, trong 5 nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã hoàn thành 2 và còn 3 nhiệm vụ đang được triển khai.
Trong đó, Bộ Tài chính đã triển khai hoàn thiện hệ thống Hải quan điện tử, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN, phối hợp thực hiện kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan.
Cụ thể, thời gian qua, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan bảo đảm quản lý, vận hành hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục phối hợp với phía Nhật Bản, JICA thảo luận các nội dung hỗ trợ để nâng cấp trang thiết bị phần cứng hệ thống VNACCS/VCIS sẽ hết hạn bảo hành năm 2018 và các chức năng của hệ thống này.
Đối với việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho hay, đến nay đã có 11 bộ, ngành tham gia thực hiện cơ chế một cửa quốc gia với 37 thủ tục hành chính được đưa lên. Tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn) là trên 264.000 bộ hồ sơ và hơn 9.400 doanh nghiệp tham gia.
Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan từ tháng 9/2015 để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN; sẵn sàng để kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực trong năm 2016.
Trong 3 tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính đã tiếp tục phối hợp thực hiện kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan. Cụ thể, Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan tiếp tục thanh toán điện tử trên cơ sở kết nối với hệ thống CNTT của Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại. Đến nay, đã ký thỏa thuận hợp tác thu thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử với 33 ngân hàng. Cùng với đó, hiện nay Bộ Tài chính đang thực hiện thí điểm triển khai cho 200 doanh nghiệp. Theo thống kê, từ tháng 1 đến tháng 3/2017, tổng số hóa đơn được xác thực là gần 3,5 triệu hóa đơn. Bộ Tài chính cũng đã giao Tổng cục Thuế xây dựng kế hoạch triển khai mở rộng hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và phối hợp triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ, hộ cá nhân qua mạng, hiện Tổng cục Thuế đã triển khai việc nộp thuế điện tử cho thuê nhà và hoạt động chuyển nhượng bất động sản cho tất cả các Chi cục Thuế trên địa bàn Hà Nội và đang hỗ trợ Cục thuế TP.HCM triển khai cho các Chi cục thuế trực thuộc.
Về thí điểm triển khai và nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cũng đã giao cho Tổng cục Thuế phối hợp với Cục Đăng kiểm thống nhất lại chuẩn trao đổi dữ liệu giữa hai bên, dự kiến sẽ thực hiện trong tháng 4/2017 và tháng 5/2017; việc triển khai nội dung khai, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ sẽ triển khai khi ban hành đủ căn cứ pháp lý.
Từ đầu năm 2017, Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai áp dụng thí điểm hoàn thuế điện tử tại 13 tỉnh, thành phố. Dự kiến, trong tháng 3 và 4/2017, Bộ Tài chính sẽ đánh giá kết quả thí điểm để chuẩn bị cho việc triển khai diện rộng dịch vụ này trên cả nước.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính, cụ thể là Kho bạc Nhà nước đang triển khai việc xây dựng các dịch vụ công điện tử phục vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua mạng, triển khai tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đánh giá, đề xuất triển khai diện rộng trong các năm 2017 và 2018; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc thu phạt vi phạm hành chính qua mạng điện tử.
Cụ thể, tại thời điểm kết thúc quý I/2017, Kho bạc Nhà nước đang hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước và dự kiến sẽ trình Bộ Tài chính ban hành trong tháng 6/2017; đồng thời đơn vị này cũng đang tiếp tục phối hợp để hoàn thiện đề cương, đề án “Thu, nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua tài khoản ngân hàng”.
Theo Ictnews.vn