Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê ven biển, hằng ngày được tiếp xúc, vui đùa bên những cơn sóng đã giúp các em nhận ra được tiềm năng mà những cơn sóng biển mang lại, nếu chúng ta biết khai thác nó.
Chia sẻ với chúng tôi, em Trương Thị Tin kể: “Từ nhỏ chúng em thường xuyên ra biển chơi và cùng nô đùa bên những cơn sóng. Biển như là người bạn cùng em lớn lên theo năm tháng. Sau này, khi đi học và bắt đầu tìm hiểu về những cơn sóng biển, chúng em phát hiện ra rằng trong quá trình hoạt động, sóng biển tạo ra rất nhiều dạng năng lượng có thể sử dụng để biến thành điện năng”.
Mặc dù, nước ta có đường bờ biển trải dài theo chiều Bắc – Nam, nhưng độ cao sóng biển không cao. Nên, việc khai thác thế năng do chênh lệch mức nước không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, chúng em đã chọn phương án khai thác động năng của sóng biển để biến đổi thành điện năng phục vụ cuộc sống, em Đoàn Trọng Thành giải thích.
Sau một thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, các em cũng đã chế tạo thành công hệ thống “Phát điện bằng nguồn năng lượng sóng biển”, với cấu tạo đơn giản gồm một tấm hứng sóng, hệ thống bánh răng, bánh đà, giá đỡ, bình ắc quy, khung sắt…
Mô hình sẽ tận dụng tối đa nguồn năng lượng sóng biển dồi dào để sản xuất điện năng.
Khi hoạt động, tấm hứng sóng sẽ là nơi thu lấy động năng từ sóng biển. Động năng của sóng biển thu được sẽ tác động trở lại bộ phận thu động năng làm quay bánh răng 1. Bánh răng 1 sẽ truyền chuyển động qua bánh răng 2, vì được thiết kế lớn hơn nên bánh răng 2 có số vòng chuyển động nhiều hơn bánh răng 1. Sau đó, bánh răng 2 sẽ truyền chuyển động cho máy phát điện. Bánh đà được gắn với bánh răng 2 sẽ làm cho máy phát điện quay được lâu hơn. Dòng điện tạo ra từ máy phát điện được đưa vào mạch sạc để nạp điện cho ắc quy cấp điện cho phụ tải bên ngoài.
Với những nơi có sóng lớn hoặc sóng mạnh, chúng ta chỉ cần tăng diện tích tấm hứng sóng theo bề ngang hoặc sử dụng cơ cấu truyền động với tỉ lệ cao hơn hoặc có thể tăng trọng lượng của bánh đà mà không cần phải tăng quy mô toàn hệ thống, em Tin cho biết thêm.
Thầy Trương Viết Muốn, người hướng dẫn đề tài cho nhóm tác giả, không giấu được niềm tự hào: "Tôi rất vui và bất ngờ vì ở độ tuổi của các em mà đã có những ý tưởng vô cùng ý nghĩa này. Điều làm tôi tự hào nhất ở các em là đã biết vận dụng những kiến thức đã học để đưa vào thực tế, là nền tảng để các em có những sản phẩm khoa học thiết thực sau này".
Nhóm tác giả tại cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng tỉnh Thừa Thiện Huế năm 2016.
Cũng theo thầy Muốn, “Hệ thống phát điện bằng năng lượng sóng biển” nếu được đầu tư và cải tiến sẽ là giải pháp rất hữu ích trong việc cung cấp điện cho những vùng hải đảo, vùng biển, những nơi nguồn điện chưa thể tới được. Sản phẩm sẽ là hướng đi mới trong việc tìm kiếm một nguồn năng lượng sạch và vô tận, để thay thế cho những nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường sống.
"Qua thực nghiệm, chúng em nhận thấy hệ thống có thể cung cấp điện, thắp sáng cho những con đường ven biển, cứ một hoặc hai trụ đèn, ta lắp một hệ thống để cung cấp điện. Ngoài ra, mô hình có thể cung cấp điện sinh hoạt hoặc thông tin liên lạc ở những vùng hải đảo, hay lắp đặt ở các bờ đê chắn sóng ven biển để khai thác nguồn năng lượng vô tận này, cũng như bảo vệ chính bờ đê đó", em Tin cho biết.
“Hệ thống phát điện bằng năng lượng sóng biển” của em Trương Thị Tin, Phạm Chí Thanh, Đoàn Trọng Thành đã đạt 2 giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế và cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học của Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế năm học 2015 – 2016.
Theo Ictnews.vn