Sau một thời gian phát triển, Mozilla mới đây bắt đầu áp dụng rộng rãi kiến trúc đa tiến trình cho trình duyệt web có biệt danh "cáo lửa" của hãng: trình duyệt Firefox. Kiến trúc mới từng được Mozilla thử nghiệm trên 1 nhóm người dùng nhỏ từ phiên bản Firefox 48. Với Firefox 50 bản chính thức vừa được phát hành, lượng người dùng được hưởng lợi từ đa tiến trình tăng thêm đáng kể. Mozilla cũng hứa hẹn còn đưa ra các cải tiến khác trong các phiên bản Firefox tương lai.
Tất cả các trình duyệt Edge, Internet Explorer, Chrome, và Safari đều có thiết kế đa tiến trình giúp tách biệt chương trình dựng trang (rendering engine) của chúng khỏi khung (frame) trình duyệt. Mục đích của nó là để tăng độ ổn định (nếu quá trình dựng trang bị lỗi, toàn bộ trình duyệt sẽ không bị crash theo) và tăng cường bảo mật (quá trình dựng được chạy ở sandbox ưu tiên thấp, giúp hacker khó tận dụng các lỗ hổng trong chương trình dựng).
Hơn thế nữa, các trình duyệt này đều có thể tạo ra nhiều tiến trình dựng trang, và sử dụng từng tiến trình riêng biệt cho từng tab khác nhau. Điều này khiến trình trạng crash thậm chí còn khó xảy ra hơn nữa. Thông thường nếu bị crash, nó chỉ xảy ra với một tab riêng biệt, các tab khác vẫn hoạt động bình thường. Internet Explorer và Chrome đã triển khai thiết kế này từ rất lâu, bắt đầu từ 2009.
Firefox, tuy nhiên, không áp dụng thiết kế tương tự, mặc dù việc phát triển trình duyệt đa tiến trình đã được bắt đầu cũng từ 2009 dưới dự án có tên mã Electrolysis. Electrolysis bị tạm hoãn trong thời gian từ 2011 đến 2013 do Mozilla thay đổi chính sách để ưu tiên cho các dự án khác. Bên cạnh đó, việc triển khai thiết kế này trên Firefox gặp khó khăn do sự đa dạng của các extension mà trình duyệt hỗ trợ. Mozilla cũng lo sợ, việc sử dụng đa tiến trình sẽ khiến extension có thể truy cập trái phép vào chương trình dựng trang. Tất cả cũng chỉ bởi, ngay từ đầu Firefox đã không được thiết kế để hỗ trợ kiến trúc đa tiến trình.
Dù vậy, Mozilla hiểu rằng để giữ chân người dùng cũ và thu hút người dùng mới, họ phải thay đổi và bắt kịp đối thủ. Năm 2015, hãng giới thiệu một hệ thống extension mới giống Chrome để mở đường cho việc triển khai thiết kế đa tiến trình. Giai đoạn đầu tiên của thay đổi này chính là việc chạy chương trình dựng trang ở một tiến trình riêng biệt trong Firefox 48 phát hành hồi đầu tháng 8. Thiết kế mới được kích hoạt cho một lượng nhỏ người dùng không cài bất kỳ extension nào. Sang Firefox 49, Mozilla triển khai Firefox đa tiến trình cho một số người dùng có cài một số extension được hãng thử nghiệm. Giờ đây ở Firefox 50, kiến trúc mới được mở rộng tới nhiều người dùng hơn và cho nhiều extension hơn nữa. Nhà phát triển giờ đây có thể đánh dấu để thông báo rằng, extension của họ tương thích với thiết kế đa tiến trình của Firefox. Ở Firefox 51, quá trình mở rộng sẽ còn tiếp diễn và sẽ bao gồm tất cả extension, ngoài trừ các extension được nhà phát triển đánh dấu rõ ràng là không tương thích.
Mozilla nói rằng, dù các thay đổi trên Firefox 50 là khá hạn chế, độ nhạy (responsiveness) của trình duyệt đã tăng 400%, suốt quá trình tải trang, độ nhạy sẽ tăng lên 700%. Mozilla cũng thực hiện các biện pháp khác để tăng cường bảo mật cho sản phẩm. Với Firefox 50 cho Windows, hãng bắt đầu áp dụng công nghệ sandbox cho tiến trình dựng trang. Điều này sẽ khiến hacker gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tận dụng lỗ hổng của Firefox để tấn công thiết bị người dùng. Các phiên bản trong tương lai của trình duyệt sẽ cải tiến cho sandbox này, cũng như đưa Sandbox lên Firefox cho macOS và Linux. Chưa hết, Mozilla đang thử nghiệm tính năng tạo ra nhiều tiến trình render giống như các trình duyệt khác đang sử dụng.
Tăng độ ổn định và tăng cường bảo mật quả là việc mà Mozilla đã mất rất nhiều thời gian để làm nhưng cho tới nay vẫn chưa thể hoàn thành. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, và những thay đổi đó là điều mà các fan của "cáo lửa" vẫn luôn chờ đợi từ trước tới nay.
Theo Ictnews.vn