Toàn cảnh hội nghị Thống kê trên được đại diện Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố tại “Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hướng dẫn chính sách pháp luật và các biện pháp kỹ thuật bảo đảm ATTT” được tổ chức tại TP Huế.
Ông Nguyễn Huy Dũng – Phó cục trưởng Cục ATTT cho biết, sau khi Luật ATTT mạng được ban hành vào ngày 19/11/2015, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai, thi hành Luật.
“Hội nghị này nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hướng dẫn chính sách pháp luật và các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin…Từ đó đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp phải gấp rút hơn trong việc tìm ra các giải pháp công nghệ phù hợp để bảo vệ mình khỏi những cuộc xâm phạm ATTT không thể biết trước”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Cục ATTT, trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2016/NĐ-CP về việc bảo đảm An toàn hệ thống thông tin theo 5 cấp độ. Thông tin, hệ thống thông tin được phân loại theo các thuộc tính bí mật và chức năng phục vụ hoạt động nghiệp vụ.
Liên quan đến hiện trạng ATTT hiện nay, đại diện Phòng cấp phép sản phẩm dịch vụ Cục ATTT cho biết, hiện nay, có hơn 14.000 điện thoại bị cài phần mềm Ptracker theo dõi thông tin cá nhân; Có đến 77% mã độc hại lây qua thiết bị đa phương tiện, 68% qua máy vi tính, 23% qua thiết bị di động và 49% lây qua mạng.
Đặc biệt, năm 2014, Việt Nam bị 19.000 sự cố ATTT được báo cáo, lưu lượng bị tấn công từ chối dịch vụ lên đến 43,93Gpbs.
Ông Nguyễn Huy Dũng – Phó cục trưởng Cục ATTT trao đổi tại hội nghị
“Những thống kê này cho thấy, dự thảo tiêu chuẩn yêu cầu an toàn cơ bản về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ là cấp bách, cần thiết và cần được triển khai, lấy ý kiến rộng rãi”, đại diện Phòng Thẩm định và quản lí giám sát – Cục ATTT nhấn mạnh tại hội nghị.
Trên cơ sở đó, hội nghị sáng nay đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu, ý kiến tham luận để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông.