Ông Vũ Quốc Khánh, Ủy viên Ban chấp hành VNISA công bố Chỉ số An toàn thông tin Việt Nam năm 2016.
Trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam năm nay, tại phiên khai mạc toàn thể của hội thảo quốc tế có chủ đề “Kỷ nguyên mới của an ninh mạng” diễn ra vào sáng nay, ngày 2/12/2016 tại Hà Nội, ông Vũ Quốc Khánh, Ủy viên Ban chấp hành VNISA đã trình bày báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá thực trạng ATTT tại Việt Nam trong năm vừa qua, đồng thời công bố Chỉ số ATTT Việt Nam (Vietnam Information Security Index) năm 2016.
Ông Vũ Quốc Khánh cho biết, đây là lần thứ 9 VNISA thực hiện và công bố kết quả khảo sát hiện trạng ATTT trong các tổ chức và doanh nghiệp; và lần thứ 4 tiến hành đánh giá Chỉ số ATTT Việt Nam.
Cụ thể, trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11/2016 VNISA đã phối hợp với Cục ATTT - Bộ TT&TT tiến hành khảo sát thông tin của 692 tổ chức và doanh nghiệp ở 3 địa bàn trọng điểm Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM về 5 lĩnh vực phát triển, bảo đảm ATTT, gồm: Đào tạo, nhận thức; Tổ chức, nhân lực; Chính sách, kinh phí; Các biện pháp quản lý; và các biện pháp kỹ thuật.
Đặc biệt, các tổ chức và doanh nghiệp tham gia khảo sát năm nay có tính đại diện, với 13% tổ chức hành chính trực thuộc Trung ương; 18% tổ chức hành chính sự nghiệp trực thuộc địa phương; 1% các tổ chức phi chính phủ; 33% doanh nghiệp tư nhân hoạt động ngoài lĩnh vực CNTT; 11% doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT; 7% doanh nghiệp nhà nước hoạt động ngoài lĩnh vực CNTT; 2% doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực CNTT; 9% doanh nghiệp nước ngoài liên doanh, có vốn nước ngoài; và 6% thuộc các đối tượng khác.
Tham gia cuộc khảo sát này, các tổ chức, doanh nghiệp đã trở lời 36 câu hỏi phức hợp/ 32 tiêu chí. Trong đó, 30 tiêu chí chính đã được lượng hóa vào Chỉ số ATTT Việt Nam năm nay.
Kết quả, sau 4 năm VNISA thử nghiệm đánh giá mức độ ATTT chung của không gian mạng Việt Nam theo mô hình đánh giá Chỉ số ATTT của Hàn Quốc, năm 2016, lần đầu tiên Chỉ số ATTT Việt Nam đã vượt được mức trung bình, đạt 59,9%. Trong 3 năm trước, Chỉ số ATTT Việt Nam lần lượt là 37,3% trong năm 2013; 39% vào năm 2014 và đạt 47,4% vào năm 2015.
Chỉ số An toàn thông tin Việt Nam qua 4 năm từ 2013 đến 2016 đã có xu hướng tăng trưởng bền vững dù mức tăng chưa nhiều.
“Chỉ số ATTT của chúng ta có xu hướng tăng bền vững, thể hiện định hướng kiên định của Nhà nước và cộng đồng trong phát triển ATTT. Ảnh hưởng tích cực của Luật ATTT mạng và các quy định pháp lý mới đồng thời từ hậu quả của các hoạt động tấn công trên mạng gần đây”, ông Vũ Quốc Khánh đánh giá.
Cũng trong nhận định chung về thực trạng ATTT Việt Nam thời gian vừa qua, đại diện VNISA nhấn mạnh: “Nhận định của chúng ta trong năm ngoái về nguy cơ tấn công tàn khốc và chiến tranh mạng đang trở thành một thực tế rõ nét và Việt Nam là một điểm hội tụ nóng về ATTT mạng”
Báo cáo của VNISA cũng chỉ rõ, tốc độ phát triển ATTT của Việt Nam thời gian vừa qua chưa nhanh, mới chỉ đạt mức trung bình về chỉ số sau 4 năm. Hơn thế, trong đánh giá do Hiệp hội và Cục ATTT thực hiện còn chưa tính đến một số mặt, đặc biệt là công nghiệp công nghệ ATTT.
Trao đổi với ICTnews bên lề hội thảo, để cập đến việc đánh giá Chỉ số ATTT Việt Nam năm nay trong tương quan với chỉ số của các nước khác trên thế giới, ông Vũ Quốc Khánh cho biết, hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất chung giữa các nước trên thế giới trong việc đánh giá Chỉ số ATTT quốc gia: một số quốc gia xây dựng Chỉ số ATTT theo cách này và một vài quốc gia lại làm Chỉ số theo cách khác. Chỉ số ATTT của Việt Nam được thực hiện theo mô hình của Hàn Quốc.
“Tôi chưa có con số cụ thể về Chỉ số ATTT của Hàn Quốc năm nay song với kết quả khảo sát vừa công bố, hiện chúng ta vẫn thấp hơn so với Hàn Quốc, bởi lẽ cách đây nhiều năm Chỉ số ATTT của nước này đã là hơn 60% trong khi đến nay Chỉ số ATTT Việt Nam mới đạt gần 60%”, ông Khánh chia sẻ.
Tuy nhiên, đại diện VNISA cũng khẳng định, Chỉ số ATTT Việt Nam đạt 59,9% cũng là một sự khích lệ lớn. Qua khảo sát được Hiệp hội và Cục ATTT thực hiện năm nay, hầu hết các yếu tố cấu thành Chỉ số ATTT Việt Nam 2016 đều tăng, đặc biệt là nhận thức tăng rất nhiều, dẫn đến đầu tư cho ATTT cũng tăng; sự hiểu biết và áp dụng công nghệ đảm bảo ATTT của các tổ chức, doanh nghiệp cũng đã tăng so với các năm trước.
Cùng với việc một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa của việc Luật ATTT mạng được ban hành, được triển khai trong thực tế đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho Chỉ số ATTT của Việt Nam được nâng lên, đại diện VNISA cũng cho rằng, những vụ mất an toàn thông tin xảy ra với hệ thống thông tin của một số cơ quan, tổ chức, tiêu biểu như hệ thống thông tin ngành hàng không hay các cuộc tấn công mạng vào một số ngân hàng, tổ chức tài chính của Việt Nam thời gian gần đây cũng đã tác động mạnh, đưa đến nhận thức và đầu tư cho ATTT của các tổ chức, doanh nghiệp đã có bước tiến rõ nét.
Theo Ictnews.vn