Cứ mỗi giờ ra chơi, bà Viên lại tranh thủ chạy ra một sàn chứng khoán gần trường để lấy bảng giá. Đã từ 3 tháng trở lại đây, khi cơn sốt chứng khoán rộ lên, nhà bà đột nhiên có thói quen... ăn sớm. Những đợt thị trường tăng đột ngột (như 2 hôm sau Tết), hoặc giảm đột ngột (như hai ngày 14-15/3) vừa qua, nuốt vội nuốt vàng bữa cơm là cả nhà cùng chúi đầu quanh máy tính và bảng giá, hì hục "hội ý" để đưa ra quyết sách cho thời gian sắp tới.
Bước vào bất cứ một sàn chứng khoán nào đang họat động tại Hà Nội tại thời điểm này, người ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy những gương mặt U40-U50 như bà Viên. Họ lên sàn với đủ mọi cung bậc cảm xúc, đăm chiêu, cau mày, nhíu trán mỗi khi bảng điện tử đỏ lòe, và cười như pháo hội, chuyện nở như ngô rang mỗi khi "thắng" được một phiên.
ĐTDĐ, "bảo bối" bất ly thân thời chứng khoán
|
ĐTDĐ là thứ không thể thiếu khi đưa ra một quyết định trên sàn chứng khoán. Ảnh: Đặng Vỹ.
|
Ông Phương, một nhà đầu tư trên sàn Incombank trên đường Bà Triệu cho biết mình mới bắt đầu lên sàn được hơn 1 tháng. Hành trang "bất ly thân" của ông là một cây bút màu đen, nét thật to để ghi phiếu lệnh và một chiếc điện thoại di động lúc nào cũng trong tình trạng pin đầy có ngọn. "Thời buổi kết nối thông tin này mà không có điện thoại không nổi. Nhiều lúc khẩn cấp phải gọi điện cho người quen để xác minh thông tin hoặc xin tư vấn, điện thoại mà chết ngóm thì... nhục lắm".
Anh Sơn, chủ một cửa hàng điện thoại di động trên đường Thái Hà cho biết từ đợt chứng khoán phát sốt, lượng smartphone và điện thoại lai PDA kiểu như O2 tự dưng bán chạy hẳn. Nếu như ngày xưa, chủng loại điện thoại cao cấp và khá đắt tiền này chỉ được giới thanh niên hoặc doanh nhân ưa dùng thì giờ đây, lượng khách trung niên "hỏi thăm" đến tăng đột biến. "Nhiều bà, nhiều chị hỏi ngay câu đầu tiên là chức năng máy tính của điện thoại có dễ dùng không", anh Sơn cho biết.
Chị Duyên, một nhà đầu tư tại sàn BSC (Công ty chứng khoán Ngân hàng đầu tư & Phát triển VN), kể rằng ngày xưa chị chỉ thích dùng những chiếc điện thoại thời trang siêu mỏng. Nhưng từ ngày chơi chứng khoán, chị mới thấy mấy cái alô sành điệu kia đúng là bất tiện. "Nhắn được cái tin thì mất cả nửa tiếng đồng hồ, tay cứ mỏi rã ra (trước kia chị dùng một mẫu điện thoại nắp trượt của Samsung), Quan trọng nhất là máy không hỗ trợ tính năng tính toán".
Giờ thì cứ mỗi phiên lên sàn, chị Duyên lại móc con O2 mới mua, hí hoáy chọc bút vào màn hình tính toán. Danh mục đầu tư đã được chị lập thành một file Excel ngay trong điện thoại, thành thử muốn đối chiếu hay tham khảo vô cùng tiện lợi. "Những khoản lời, lỗ, mua vào giá bao nhiêu, bán ra giá bao nhiêu, rồi thì vay ai, ngày nào, số tiền... tất cả đều phải ghi lại em ạ. Bây giờ ai ghi sổ nữa. Chị lập hẳn một file Excel và một file Word trên máy tính ở nhà cho dễ quản lý".
Đến cà phê "Wi-Fi chứng khoán"
|
Chỉ cần một laptop và kết nối Wi-Fi là có thể theo dõi giá cả cổ phiếu liên tục cập nhật, khỏi phải chen chân ngoài sàn giao dịch. Nguồn ảnh: Hanoimoi.com.vn.
|
Hiệp, nhân viên môi giới của một công ty xuất nhập khẩu cho biết mình vừa được bạn bè tặng cho một biệt danh mới "Hiệp Wi-Fi". Nguyên do là bạn bè tụ tập, hẹn hò nhau ở quán xá nào đó là y như rằng, câu cửa miệng của Hiệp bao giờ cũng là "Quán đó có wi-fi không? Không có tao không vào".
Mới trúng được một quả đậm chứng khoán dịp trước Tết, Hiệp đã sắm cho mình một con laptop Vaio mới và nói lời "Bye-bye" với chiếc máy tính xách tay hiệu Dell từng gắn bó với cậu ta từ hồi mới đi làm. "Tôi sợ máy tính nặng lắm rồi, ai lại cứ như đeo gông trên người. Phải nhẹ nhàng thì mới "phất được", "ông thầy" phán thế", Hiệp nhún vai. Hiệp cho biết chứng khoán đã ám ảnh cậu ta mọi lúc, mọi nơi, cứ nửa tiếng không vào được Vietstock - một địa chỉ web quen thuộc của dân chứng khoán Việt Nam - là tay chân bứt rứt như bị kiến cắn.
Thực ra, số lượng khách hàng có nhu cầu như Hiệp bây giờ không hề ít. Bằng chứng là hàng loạt quán cà phê đã phải tức tốc lắp đặt mạng Wi-Fi trong thời gian gần đây để hút khách mới và giữ chân khách cũ. Một số quán thậm chí còn sắp xếp nguyên một dãy máy tính trong góc để khách có thể tự do ra lướt Web và đọc thông tin chứng khoán mới nhất.
Trường hợp của Quang, nhân viên ngân hàng Vietcombank thì lại khác. Từ ngày có quy định cấm "lên sàn" trong giờ làm, Quang phải bỏ hẳn thói quen truy cập các website chứng khoán trước đây, nguyên do là vì bàn làm việc của anh chàng này sát ngay cạnh bàn sếp. Chỉ cần sếp vô tình liếc ngang mà bắt gặp dòng chữ "Tìm là có - ngó là mua - vừa là bán" của diễn đàn TTVNOL về cổ phiếu thì "to chuyện ngay".
Chính vì vậy, tan giờ làm một cái là anh chàng lao ngay đến quán quen, bật laptop và lướt chứng khoán cho thỏa cơn khát thông tin. Vừa gặm bánh mì, nhâm nhi ly nâu nóng và mắt dán vào màn hình đã là hình ảnh gắn liền với anh chàng này từ nhiều tháng nay. Quang cho biết có đợt, ngày nào cậu cũng phải thức đến 2h đêm để nghiên cứu báo cáo bạch của các công ty, để rồi hôm sau đặt lệnh mua/ bán qua mạng từ sáng sớm tinh mơ. Đơn giản, từ 8h30 trở đi đã là giờ "giới nghiêm" tại văn phòng.
Chứng khoán công sở và giao dịch... toilet
|
""Con" của em lên 5 giá rồi này... Thôi chết... "Sếp" kìa! Em phải đau bụng một lát đây...
|
Một năm trước, chơi chứng khoán mạnh nhất, xôm nhất phải kể đến khối ngân hàng, bảo hiểm và dầu khí. Cứ sáng sáng là nhân viên tụm ba tụm bảy, bàn tán như bắp rang "nên mua con nào, nên bán con nào, rồi thì "lên hay xuống", "sập sàn hay thăng". Ngay cả sếp cũng chơi nên nhân viên càng không kiêng dè, thậm chí nhiều sếp còn tư vấn, chỉ điểm cho nhân viên mua "con" này, "con" khác.
Nhưng đấy là câu chuyện của ngày xưa. Đợt gần đây, nhận thấy nguy cơ nhiều người mải chơi chứng khoán mà sao lãng công việc, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã có công văn nghiêm cấm nhân viên ngân hàng chơi chứng khoán trong giờ làm. Quy định tương tự về "Cấm lên sàn tại cơ quan" cũng được nhiều nơi áp dụng. Và thế là chứng khoán bước vào thời kỳ "âm thầm bắn tỉa".
Hải, nhân viên Vietcombank là một nhà đầu tư "có nghề". Chơi chứng khoán từ gần 2 năm nay, hiện trong máy điện thoại của Hải lúc nào cũng lưu gần 20 số điện thoại của "các thể loại cò" để phục vụ các phi vụ giao dịch OTC. "Đây đều là mối quen của tôi. Mua OTC mà mua hú họa thì rủi ro lắm, biên lai viết tay biến thành giấy lộn lúc nào không hay". Muốn bán, Hải chỉ việc nhấc máy "alô" cho cò quen. Muốn mua, lại đánh tiếng cho cò nhờ tìm cổ phiếu.
|
Những nhà đầu tư có thời gian rảnh rỗi vẫn "lên sàn" để theo dõi thông tin, thường xuyên thông báo tình hình cho "đối tác", "đồng đội" đang bị bó chân bó cẳng nơi công sở. Ảnh: Lê Anh Dũng.
|
Từ sau khi cơ quan có "nghiêm lệnh", sếp cũng lên tiếng "dằn mặt" nhân viên, Hải gọi điện cho các "cò" căn dặn cẩn thận về "phương thức liên lạc mới". Bây giờ hầu như toàn phải SMS cho nhau. "Hồi đầu không quen, mấy "ông bà cò cứ mắng loạn lên "Bọn tao làm gì có thời gian mà xem với chả nhắn tin", nhưng rồi hình như thấy mối nào cũng yêu cầu như mình, họ mới chịu theo đấy", Hải tiết lộ.
"Khi có "hàng ngon", cò thường nhắn "Gọi ngay". Những lúc ấy mà sếp đang trong phòng thì chỉ có nước giả vờ... đi toilet mà thôi. Phòng tôi đứa nào cũng thế, trong giờ làm chỉ dám giao dịch chứng khoán trong toilet mà thôi. Đố ai dám gan lớn đứng giữa hành lang hay giữa phòng mà trả giá hoặc hét giá đấy".
Linh, cũng là nhân viên một ngân hàng TMCP, cho biết sếp phòng cô rất khó tính và ác cảm với chứng khoán từ ngày xưa. Cả phòng phải hò nhau mua một lô thuốc ... Besberin, giao cho cô giữ. Trong giờ, nếu có cuộc gọi khẩn cấp, không thể không trả lời, họ sẽ ra "toilet" giao dịch rồi đi vào với vẻ mặt nhăn nhó, xin Linh... ít thuốc.
"Tệ nhất là những hôm thị trường giảm hoặc tăng. Một người được cử làm "hoa tiêu" xuống sàn ở tầng dưới thăm dò tình hình, sau đó nhắn tin thông báo cho "hậu phương ở trên". Nếu tín hiệu gửi lên mà là "Khẩn cấp, bán ngay" hoặc mua ngay là y như rằng, từng người, từng người một rút khỏi phòng và hướng về... toilet. 10 phút sau quay lại với cùng một vẻ mặt và cùng một lý do", Linh cười.
Theo Vietnamnet