Smart city là gì? Một câu hỏi khó
Cụm từ smart city – thành phố thông minh được sử dụng lần đầu vào những năm 1990. Vào thời điểm đó, trọng tâm là tầm quan trọng của các công nghệ mới đối với cơ sở hạ tầng hiện đại bên trong thành phố. Về cơ bản, nó kích hoạt và khuyến khích công dân trở thành thành viên năng động hơn của cộng đồng, biến thành phố thành một nơi đáng sống, làm việc và thăm quan. Nó kết hợp cả cơ sở hạ tầng, nguồn vốn xã hội và công nghệ để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, mang đến môi trường hấp dẫn cho mọi thành phần.
Theo Bộ Kinh doanh, sáng tạo và kỹ năng của Anh, có 6 yếu tố quan trọng trong smart city là: cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại kết hợp với dữ liệu công, cho phép công dân truy cập thông tin họ cần bất kỳ khi nào; hệ thống nhận diện để dịch vụ chuyển phát được nâng cấp; cơ sở hạ tầng vật lý thông minh (Internet of Things); một tâm lý cởi mở để học từ người khác và thử nghiệm mô hình, cách tiếp cận mới; sự minh bạch về kết quả, hiệu suất về dịch vụ thành phố. Yếu tố thứ 6 chính là lãnh đạo phải có tầm nhìn rõ ràng, kiên định về cái mà thành phố tương lai mang lại cho người dân với cam kết thay đổi thành công. Tầm nhìn phải được phát triển từ sự tư vấn của công dân, tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn để chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã theo đuổi mô hình thành phố thông minh trong vài năm gần đây nhưng định nghĩa của từ này cũng như các ví dụ về việc áp dụng công nghệ để biến một thành phố bình thường trở nên thông minh lại khá mơ hồ. Thị trưởng và các Giám đốc CNTT (CIO) thành phố thường nói về việc dùng cảm biến để điều khiển đèn đường và tín hiệu giao thông từ xa nhằm giảm chi phí năng lượng và họ thường cung cấp số liệu cụ thể về lợi tức đầu tư (ROI) cho các sáng kiến như vậy.
Một vài ví dụ khác bao gồm dùng cảm biến để giám sát các đường ống nước bị rò rỉ (giảm chi phí sửa chữa) hoặc theo dõi chất lượng không khí để đo lường mức độ ô nhiễm (có thể giúp những người bị bệnh hen suyễn). Cảnh sát có thể dùng cảm biến video để quản lý đám đông, phát hiện hành vi phạm tội hoặc cảm biến có khả năng xác định chỗ đỗ xe đã đủ hay chưa sau đó kích hoạt tín hiệu để hướng dẫn tài xế đến các điểm đỗ khác.
Có vô số ví dụ thực tiễn về thành phố thông minh. Tuy nhiên, thành phố thông minh cũng có thể trở thành một điểm đến vui vẻ. Chẳng hạn, tại Bristol, Anh, hệ thống cảm biến hồng ngoại tùy cỉnh được thêm vào đèn đường trong vài tuần cuối năm 2014 để ghi lại bóng của người đi bộ. Sau đó, bóng được trình chiếu lại thông qua đèn đường để những người đi sau xem. Sáng kiến có tên “Shadowing” do Jonathan Chomko và Matthew Rosier phát triển với mục tiêu trở thành buổi trình diễn nghệ thuật công cộng. Là chủ nhân của giải thưởng Playable City Award, Shadowing giúp minh họa sự bao la trong định nghĩa smart city.
Theo Carl Piva, Phó Chủ tịch các chương trình chiến lược tại TM Forum, một hiệp hội phi lợi nhuận có 950 tổ chức thành viên với mục tiêu hướng dẫn nghiên cứu quá trình chuyển hóa kinh doanh kỹ thuật số, trong đó có các sáng kiến thành phố thông minh, “smart city không nên chỉ để tiết kiệm tiền mà nên hấp dẫn và thú vị khi sống tại đây”.
Dự án Shadowing được thảo luận tại một diễn đàn gần đây tại Yinchuan, Trung Quốc với sự tham dự của các chính trị gia và chuyên gia công nghệ từ khắp thế giới. Nó được giới thiệu bởi Paul Wilson, Giám đốc quản lý của Bristol Is Open, công ty liên doanh của Hội đồng thành phố Bristol và Đại học Bristol. Với ông Piva, thành phố thông minh thành công nhất khi mọi người thậm chí còn không nhận ra các công nghệ của tương lai.
Ông thừa nhận smart city là một khái niệm rộng lớn và cần nhiều người tham dự, đặc biệt là những người phải đóng thuế. Ông nhận thấy một số thành phố muốn tập trung vào xây dựng cộng đồng công nghệ như thành phố Kansas, còn vài thành phố khác, đặc biệt tại Brazil, lại tận dùng công nghệ để quảng bá du lịch. Theo ông, nguyên tố chung của thành phố thông minh là công dân và sự cần thiết phải có sự liên quan của công dân.
Nếu hỏi bất kỳ quan chức thành phố hay chuyên gia công nghệ nào đang làm việc cho chính quyền, bạn sẽ nhận được nhiều ví dụ về smart city. Rất khó để tìm ra định nghĩa chính xác cho cụm từ này.
Jack Gold, nhà phân tích tại J. Gold Associates, cho rằng smart city là dùng dữ liệu cảm biến để hành động. “Bạn có thể định nghĩa thành phố thông minh là thành phố có cơ sở hạ tầng được quản lý tốt hơn dựa trên dữ liệu đầu vào và điều chỉnh kết quả để tận dụng tốt nhất nguồn lực hoặc nâng cao an toàn”. Ông Piva và một số người khác bổ sung một thành phố có thể dùng dữ liệu để cải thiện mức độ hạnh phúc của du khách, công dân và người lao động.
“Mục tiêu cuối cùng của thành phố thông minh là quản lý năng lượng, giảm hiệu ứng khí thải, tăng cường an toàn công cộng hoặc cung cấp dịch vụ tốt hơn cho cư dân. Nhược điểm là cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phần lớn thành phố không có đủ tiền để đầu tư. Tuy nhiên, nó đang diễn ra bằng những bước tiến khiêm tốn tại nhiều nơi”, ông Gold nói.
Các hãng “xếp hàng” làm thành phố thông minh
Bên cạnh các tên tuổi lớn như IBM, Cisco, GE, Intel, có hàng trăm nhà sản xuất phần cứng, phần mềm và ứng dụng nhỏ muốn tham gia vào xu hướng thành phố thông minh.
Tại Kansas (Mỹ), Sensity System, nhà cung ứng đèn điện ngoài trời công nghệ cao, đang lắp đặt các đèn LED trang bị cảm biến có thể tự động điều chỉnh độ sáng theo điều kiện thực tế. Sensity nhấn mạnh thành phố sẽ tiết kiệm được 4 triệu USD/năm với thiết bị này.
Sensity có tham vọng lớn cho hàng tỷ đèn đường trên toàn cầu và sáng tạo công nghệ có tên Light Sensory Networks nhằm biến đèn đường LED thành một nền tảng dữ liệu, video cho mạng lưới Internet of Things (IoT). Mỗi đèn LED có thể thành thiết bị thông minh trang bị cảm biến với địa chỉ IP duy nhất, phục vụ như một điểm nối trong mạng băng rộng. Thiết bị thông minh này có thể điều khiển các thiết bị thông minh khác như cảm biến video, điểm truy cập Wi-Fi nhằm hỗ trợ đỗ xe, giám sát hay ứng dụng công nghiệp.
Tại triển lãm CTIA Super Mobility Week 2015 diễn ra ở Las Vegas, Mỹ, Verizon đã trình diễn đèn đường thông minh do đối tác Illuminating Concepts phát triển. Các đèn này kết nối không dây với đám mây và phát đi thông báo công cộng qua loa phóng thanh hoặc qua biển báo điện tử. Chúng còn có thể xử lý các phân tích ô nhiễm không khí. Mỗi cột đèn trị giá gần 6.000 USD, tùy thuộc vào cảm biến được lắp đặt và chức năng của mỗi cột.
Ngoài Verizon, AT&T và các nhà mạng lớn của Mỹ cũng “nhảy thuyền” smart city. Tại Kansas, Sprint đã đầu tư 7 triệu USD cho khu vực Wi-Fi miễn phí quanh tuyến đường mới sắp hoàn tất.
Thành phố thông minh chỉ là “cái mác mờ ám”?
Nếu như ngành công nghệ và quan chức thành phố khắp nơi đều quảng bá lợi ích đa dạng của smart city, ít nhất hai nhà khoa học xã hội đã bày tỏ sự lo ngại về công nghệ có thể bị lợi dụng để giả mạo con người bằng hệ thống nhận diện gương mặt và công cụ chính sách tự động.
Trong bài báo có tên "The Spectrum of Control: A Social Theory of the Smart City”, Jathan Sadowski và Frank Pasquale kêu gọi sự chú ý đến một số khía cạnh tiêu cực của thành phố trang bị mạng lưới cảm biến thông minh. Họ e dè mạng lưới bên trong smart city khiến mọi người gần như không thể thoát khỏi bị giám sát liên tục. Tùy vào người sử dụng công nghệ mà các thông tin thu thập được xem là có lợi hay đen tối. Sadowski đang theo học Tiến sỹ tại Đại học bang Arizona còn Pasquale là Giáo sư luật tại Đại học Maryland của Mỹ.
Không chỉ có vậy, họ còn nghi ngờ về ý nghĩa thật sự của smart city. Trong bài báo, hai tác giả nhắc đến việc các doanh ngiệp lớn nỗ lực để cho thấy sự thông minh là lý tưởng và thúc đẩy lãnh đạo thành phố, nhà đầu tư vào thị trường này. Nếu có gì đó sai lầm hay không được như kỳ vọng, các doanh nghiệp có được tấm khiên bảo vệ cần thiết.
Tuy nhiên, những thành phần tham gia vào thành phố thông minh lại nghĩ khác. Họ nói smart city đang trong giai đoạn như ngày đầu của PC hay Facebook. Máy tính ban đầu chỉ được xem như công cụ hữu ích thay thế máy đánh chữ nhưng sau đó trở thành công cụ quan trọng để kết nối Internet. Trước khi Facebook bùng nổ, rất ít người nhận thức được tầm quan trọng của sự kết nối di động.
Theo Ictnews.vn