Sự kiện Security Bootcamp được tổ chức lần đầu vào năm 2012 với mục đích tạo ra một diễn đàn chất lượng về kỹ thuật giúp các chuyên gia trong cả nước kết nối, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm mới nhất trong lĩnh vực an toàn thông tin (Nguồn ảnh: securitybootcamp.vn/)
Security Bootcamp là sự kiện phi lợi nhuận về an toàn thông tin được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012 với mục đích tạo ra một diễn đàn chất lượng về kỹ thuật giúp các chuyên gia trong cả nước kết nối, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm mới nhất trong lĩnh vực an toàn thông tin. Sự kiện phi lợi nhuận này được làm theo phong cách Bootcamp, nơi các chuyên gia chia sẻ cởi mở về chuyên môn, đồng thời các sinh viên ngành CNTT có cơ hội được tham gia các phiên huấn luyện về an toàn, bảo mật.
Là lần thứ tư diễn ra, sự kiện Security Bootcamp 2016 do Trung tâm CNTT&TT thuộc Sở TT&TT Đồng Tháp và Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) hợp tác tổ chức tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) trong thời gian 2 ngày 10 - 11/9/2016.
Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam - đơn vị đồng tổ chức Security Bootcamp 2016 nhận định, những năm gần đây, với sự phát triển bùng nổ của Internet, an toàn, an ninh và bảo mật thông tin luôn là vấn đề nóng bỏng và nhận được sự quan tâm của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Sự cố mất an toàn thông tin tại các sân bay lớn của Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa qua đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp.
Lực lượng các kỹ sư an toàn, bảo mật cũng như các quản trị mạng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và cũng đầy những thử thách, đặc biệt trong bối cảnh các nguy cơ mất an toàn thông tin vẫn âm thầm diễn ra, không loại trừ tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nào. Nhu cầu liên kết, chia sẻ kiến thức và kỹ năng trong cộng đồng các chuyên gia an toàn, bảo mật cũng như các quản trị mạng càng trở nên cấp thiết.
“Trở lại sau 1 năm gián đoạn, Ban tổ chức hy vọng thời gian tới, từ Security Bootcamp 2016, diễn đàn kiện phi lợi nhuận này sẽ trở thành một sự kiện thường niên, giúp cộng đồng các chuyên gia an toàn, bảo mật cùng các quản trị mạng có cơ hội chia sẻ, giao lưu; từ đó có thêm kiến thức, kinh nghiệm để tăng cường công tác đảm bảo an toàn, bảo mật cho các hệ thống mạng của cơ quan, tổ chức mình”, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo Ban tổ chức, sự kiện Security Bootcamp 2016 gồm có 2 hoạt động chính diễn ra song song với nhau, đó là chương trình hội thảo dành cho các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường Đại học, các tổ chức - hiệp hội trong cả nước; chương trình đào tạo, huấn luyện dành cho các sinh viên yêu thích lĩnh vực an toàn thông tin, bảo mật và có các kiến thức nhất định về mạng máy tính. Các chuyên đề đào tạo sẽ do chính các diễn giả dự hội thảo Security Bootcamp chia sẻ với các sinh viên.
Trong đó, chương trình hội thảo thu hút khoảng 150 đại biểu tham dự, với chủ yếu là các chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khu vực phía Nam. Tại hội thảo này, các diễn giả đến từ các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp an toàn thông tin, các đơn vị chuyên trách CNTT của các ngân hàng, cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp gồm Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), FPT Software, PA Việt Nam, Công ty công nghệ Bảo Tín, CSA Việt Nam, Đông Á Bank, RMIT… trình bày và thảo luận về các chủ đề như: Tình hình an ninh mạng và công tác điều phối ứng cứu tại Việt Nam; Bảo mật tên miền - thương hiệu online quan trong của các công ty. COM; An toàn thông tin dưới góc nhìn quản lý theo tiêu chuẩn quốc thế ISO/IEC 27001; Kautilya và Powershell trong kỹ thuật tấn công tiếp cận; Kinh nghiệm làm việc với chính phủ Singapore, đặc biệt trên Singapore Gov Private Cloud (G-Cloud); Định hướng công nghệ mới cho Cyber Security trong thời bùng nổ số hóa…
Với chương trình đào tạo, huấn luyện về bảo mật, Ban tổ chức không giới hạn số lượng sinh viên tham gia. Giảng viên chính là kỹ sư bảo mật Quan Minh Tâm của Công ty công nghệ Bảo Tín. Qua chương trình huấn luyện này, các sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản để thực hiện quá trình penetration testing (kiểm thử xâm nhập). Cụ thể, cung với việc được cung cấp các khái niệm, kỹ năng cơ bản về công việc pentest System, Web, Application, các sinh viên còn nắm được quy trình thực hiện công việc pentest, các kinh nghiệm và khó khăn trong quá trình thực hiện pentest trong thực tế. Sau khóa học, các bạn có thể định hình được phương pháp học tập, nghiên cứu các kỹ năng chuyên sâu trong công việc pentest.
Theo Ictnews.vn