Đầu tư trung bình 7 tỷ đồng/đề tài
Hội nghị tổng kết Chương trình KC.01/11-15 vừa diễn ra sáng 12/7/2016, tại Hà Nội, với sự chủ trì của GS.TSKH Đỗ Trung Tá, Chủ nhiệm Chương trình, TS. Đỗ Văn Lộc, Phó Chủ nhiệm Chương trình, TS. Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ T&TT, Ủy viên Ban Chủ nhiệm.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao vai trò, giá trị của Chương trình KC.01 và các đề tài nghiên cứu đầy tính thực tiễn thuộc Chương trình này.
Chương trình KC.01 được thành lập theo Quyết định số 3053/QĐ-BKHCN ngày 30/9/2011 của Bộ KHCN với chủ trương nhằm tạo ra một không gian sáng tạo mới cho lĩnh vực CNTT-TT. Qua quá trình triển khai, Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 470 nhà khoa học từ 66 viện, trường và doanh nghiệp (trong đó có 245 nhà khoa học tham gia trực tiếp).
TS. Đỗ Văn Lộc cho biết: Với thời hạn triển khai trong 5 năm (2011 – 2015), Chương trình KC.01 triển khai 22 đề tài và 2 dự án nghiên cứu triển khai, sản xuất thử nghiệm (1 nhiệm vụ do Đài VTC chủ trì đã dừng triển khai do thay đổi cơ cấu tổ chức). Tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình hơn 169 tỷ đồng, nhưng có sự tham gia của doanh nghiệp nên nguồn vốn từ ngân sách chỉ hơn 155 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi đề tài được đầu tư khoảng 7 tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình khoảng 5 tỷ đồng/đề tài trước đây.
3 mục tiêu chính của Chương trình KC.01 gồm: Xây dựng các giải pháp tạo nền tảng cho ứng dụng hiệu quả CNTT-TT đáp ứng nhu cầu cấp bách trong một số lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng quan trọng; Làm chủ, tạo ra một số công nghệ, chế tạo sản phẩm đáp ứng yêu cầu cấp bách cho ứng dụng, xây dựng hạ tầng và phát triển công nghiệp CNTT-TT; Tạo được các công nghệ có tính ứng dụng và hiệu quả cao, và hình thành các nhóm nghiên cứu trẻ có năng lực nghiên cứu.
"Giờ này nhìn lại, cả 3 mục tiêu trên đều đã được hoàn thành. Trình độ công nghệ và sản phẩm công nghệ của nhiều đề tài đạt mức ngang tầm khu vực, thậm chí một số đề tài có trình độ ngang tầm thế giới. Điển hình như các đề tài thiết kế mạng LTE-4G, Java 32 bit, vi mạch 130 – 350mm siêu cao tần, camera tích hợp nhiều tính năng và công nghệ không dây tốc độ cao nhằm hỗ trợ giao thông thông minh, hệ thống định vị toàn cầu cảnh báo lũ sớm 5 tiếng với độ chính xác 80%...", TS. Đỗ Văn Lộc nói.
Thương mại hóa, thu tiền tỷ
TS. Đỗ Văn Lộc đặc biệt nhấn mạnh, trong số các đề tài, dự án thuộc Chương trình KC.01, đã có 8 đề tài được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống, 8 đề tài đã có hợp đồng và kiếm được tiền từ việc thương mại hóa sản phẩm.
Chẳng hạn, đề tài KC.01.09 – Nghiên cứu thiết kế Serving Gateway (SGW) cho mạng di động thế hệ sau LTE Advance tại Việt Nam: giải pháp đã được ứng dụng cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng mạng 4G cho VNPT.
Đề tài KC.01.11 – Nghiên cứu ứng dụng công nghệ truyền hình lai ghép băng rộng và quảng bá HbbTV: sau khi thử nghiệm thành công, cơ quan chủ trì nhiệm vụ (Công ty VTV Broad com) đã phê duyệt dự án đầu tư để chuẩn bị đưa hệ thống cung cấp dịch vụ chính thức vào năm 2017, dự kiến trước mắt tại VTV, MobiTV, SDTV.
Một số đề tài tiêu biểu đã được trình bày tại Hội nghị.
Đề tài KC.01.14 – Xây dựng cấu trúc hệ thống giao thông thông minh và các quy chuẩn CNTT-TT, điều khiển áp dụng trong hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam: các thành viên đề tài đã chủ trì và thực hiện thiết kế chính cho 2 dự án lớn gồm “Hệ thống quản lý điều hành đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình” do Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư, và “Cải tạo nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu và thiết bị ngoại vi (giai đoạn 1)” do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư.
Đề tài KC.01.05 – Xây dựng giải pháp và thiết bị quản lý điều hành giao thông thông minh sử dụng truyền thông tâm gần chuyên dụng: giải pháp đã được chuyển giao cho Trung tâm Giải pháp CNTT và viễn thông Viettel để đưa vào thực tế sử dụng.
Dự án KC.01.DA01 - Triển khai tích hợp công nghệ tổng hợp tiếng Việt vào ứng dụng Mobile Portal phục vụ cho đời sống xã hội với sản phẩm Tổng đài đọc thông tin tự động (cho phép người dùng tìm kiếm được thông tin trên Internet và nghe được thông tin theo yêu cầu) mỗi tháng có hàng nghìn người truy cập, doanh thu 4 – 5 tỷ đồng/tháng.
Đề tài KC.01.13 – Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm chip nén ảnh theo tiêu chuẩn JPEG 2000 và chip ADC đa năng ứng dụng trong y tế đã nhận được hợp đồng thiết kế ADC cho chip thu phát RF từ công ty Nhật Bản (trị giá hợp đồng khoảng 89.000 USD).
“Các sản phẩm giá đều có cạnh tranh, thay thế được hàng nhập khẩu, nhiều sản phẩm tham gia đấu thầu công khai mà vẫn thành công. Bên cạnh hiệu quả trực tiếp về kinh tế - xã hội, các đề tài nghiên cứu còn đem lại hiệu quả gián tiếp là tạo ra các dịch vụ mới có chất lượng tốt hơn, chi phí hợp lý hơn, đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho người dùng, giảm tổn thất cho xã hội, chủ động được linh kiện để không bị lệ thuộc vào nước ngoài...”, TS. Đỗ Văn Lộc khẳng định.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng: "Chương trình KC.01 đã đạt được các mục tiêu quan trọng mà Bộ KHCN đề ra, thiết lập được nền tảng cơ bản cho nghiên cứu phát triển giai đoạn tiếp theo và đáp ứng được xu thế phát triển của lĩnh vực CNTT-TT, đặc biệt ứng dụng thiết thực trong một số đề án lớn của ngành TT&TT như: Phát triển mạng di động 4G và thế hệ tiếp theo; triển khai IPv6; Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; Đảm bảo an toàn an ninh thông tin quốc gia..
Nhiều kết quả nghiên cứu phát triển của Chương trình KC01 đã thực sự có nhiều đóng góp thiết thực, to lớn vào sự phát triển của CNTT-TT Việt Nam trong những năm qua. Chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia về CNTT-TT cần được tiếp tục nghiên cứu cải tiến, duy trì trong giai đoạn tới nhằm thực hiện thành công các mục tiêu và chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy ạnh và phát triển ứng dụng CNTT-TT, góp phần giúp Việt Nam sẵn sàng phát huy những cơ hội to lớn mà cuộc cách mạng số toàn cầu mang lại".
Theo Ictnews.vn