Thời gian vừa qua, nhiều nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số đã gặp phải chuyện có nhiều đối tượng mạo danh liên hệ với khách hàng để thông báo rằng dịch vụ chứng thực chữ ký số hết hạn, đề nghị khách hàng chuyển đổi hoặc gia hạn dịch vụ. Khi khách hàng đồng ý thì những kẻ mạo danh đó lại cung cấp chữ ký số của một đơn vị khác, không phải của nhà cung cấp mà khách hàng đang sử dụng.
Trao đổi với ICTnews về câu chuyện này, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Công ty Bkav phân tích rõ những ảnh hưởng, hệ lụy tới thị trường chữ ký số.
Trước tiên, về phía khách hàng, khách hàng sẽ bị “lừa” dùng một dịch vụ khác mà mình không hề hay biết. Việc khách hàng đồng ý tiếp tục sử dụng dịch vụ là do hài lòng với chất lượng, dịch vụ của nhà cung cấp mà mình đã lựa chọn, trong trường hợp bị kẻ mạo danh lừa đảo, khách hàng sẽ phải sử dụng dịch vụ với chất lượng không được kiểm chứng, đảm bảo.
Ảnh minh họa.
Về thị trường, do dịch vụ chữ ký số là dịch vụ đặc biệt, các nhà cung cấp dịch vụ cũng như đại lý cần phải có những yêu cầu tối thiểu theo quy định của cơ quan quản lý mới được phép cung cấp dịch vụ. Để được phép hoạt động, các nhà cung cấp dịch vụ phải có giấy phép, còn đại lý phải có hợp đồng với nhà cung cấp, đồng thời nhân viên đại lý trực tiếp tham gia vào quy trình cung cấp chứng thư số phải có hiểu biết pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều nhà cung cấp chữ ký số thực hiện việc cung cấp dịch vụ thông qua cộng tác viên nhưng thực sự hoạt động như đại lý (được cấp chữ ký số cho khách hàng), mà không hề có chứng chỉ đào tạo cũng như ký hợp đồng. Điều này có thể ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, nhất là tính an ninh của dịch vụ chữ ký số, đồng thời tạo ra sự không công bằng cho những nhà cung cấp dịch vụ tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.
"Hiện trung tâm chăm sóc khách hàng của Bkav đã tiếp nhận nhiều trường hợp mạo danh như trên. Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước là Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia, Bộ TT&TT để xử lý sớm vấn đề này", ông Ngô Tuấn Anh nói.
Lý giải nguyên nhân đồng thời đề xuất giải pháp để giải quyết triệt để nạn giả mạo chữ ký số, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng: "Xuất phát của các hiện tượng giả mạo chữ ký số nêu trên là từ việc quản lý không chặt chẽ theo quy định về các cộng tác viên, đại lý bán hàng của các nhà cung cấp dịch vụ. Chính việc đăng ký cộng tác viên, đại lý quá dễ dàng với mức chiết khấu dịch vụ cao, các cộng tác viên sẽ “bất chấp” để có thể có được khách hàng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc quản lý đại lý, cộng tác viên của mình nếu các đại lý, cộng tác viên thực hiện các hành vi vi phạm. Ngoài ra, các quy định hiện hành về quản lý đại lý, cộng tác viên cần phải được điều chỉnh cho sát tình hình thực tế, đồng thời sớm ban hành thành văn bản có tính bắt buộc cao hơn".
Tại cuộc họp giao ban Bộ TT&TT mới đây, lãnh đạo Bộ TT&TT cũng đã nhắc nhở các cơ quan liên quan về việc tìm giải pháp hạn chế vấn nạn giả mạo chữ ký số. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị cơ quan chức năng thuộc Bộ đặc biệt quan tâm vấn đề thực thi quản lý nhà nước, kiểm tra giám sát các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng trong thực hiện các điều khoản của giấy phép. Thời gian tới, nếu cần thì Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia phối hợp Thanh tra Bộ TT&TT kiểm tra việc tuân thủ giấy phép đã cấp để các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh quy định trong giấy phép, tránh sự cố xảy ra ảnh hưởng đến giao dịch chữ ký số, đặc biệt vấn đề an ninh bảo mật khách hàng.
Theo Ictnews.vn