Cuộc thi Hackathon STEM IoT 2016 lần đầu tiên được Học viện STEM thuộc Công ty cổ phần DTT Eduspec tổ chức với mong muốn tạo một sân chơi STEM dành cho các học sinh yêu thích công nghệ, say mê sáng tạo và lập trình.
Được tổ chức bởi Học viện STEM thuộc Công ty cổ phần DTT Eduspec, dưới sự tài tợ của Intel Việt Nam, Hackathon STEM IoT là cuộc thi dành cho các học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 đang theo học tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cuộc thi nhằm thúc đẩy niềm đam mê khoa học kỹ thuật, khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại trên thế giới, tham gia cuộc thi, các nhóm sẽ chế tạo các sản phẩm sử dụng công nghệ IOT với chủ đề “Hành tinh thông minh”. Đồng thời, cuộc thi này cũng kiến tạo ra những ý tưởng ban đầu và thực thi các ý tưởng mới trước thềm các cuộc thi Khoa học Kỹ thuật trong và ngoài nước như Hội thi Tin học trẻ, ViSEF, ISEF…
Ban tổ chức cho biết, tham gia cuộc thi Hackathon STEM IOT 2016, trong một thời gian ngắn (10 - 13 ngày), các học sinh có cùng ý tưởng sẽ hợp tác cùng nhau trong 1 nhóm, lên ý tưởng tạo ra các sản phẩm sáng tạo hoặc dự án phần mềm theo chủ đề. Đây là một trong những sân chơi bổ ích dành cho các học sinh đam mê công nghệ, thích lập trình, say mê sáng tạo.
Trước đó, học sinh đã tham gia vào một khóa huấn luyện "STEM TUHOC IOT" kéo dài trong vòng 8 buổi (3 giờ/1 buổi) tại Học viện STEM với các huấn luyện viên đã có kinh nghiệm hướng dẫn học sinh tham dự Hội thi Tin học trẻ toàn quốc. Tại đây, học sinh được đào tạo về kiến thức lập trình thông qua việc lập trình phần cứng nguồn mở Arduino; kiến thức, phương pháp tìm hiểu và sử dụng các Module phần cứng cơ bản trong bộ TUHOC và bộ nâng cấp tương thích với Genuino 101 mới nhất của Intel để thiết kế, xây dựng và sáng tạo một sản phẩm công nghệ ứng dụng IOT, như thiết bị thông minh, đồ vật thông minh (điều khiển, nhận dạng, giám sát, cảnh báo...).
Phương pháp học tập được áp dụng trong thời gian huấn luyện là phương pháp giáo dục STEM đang thịnh hành trên thế giới. Với phương pháp này, học sinh sẽ được trau dồi và phát huy những kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21 như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cộng tác, kỹ năng làm việc theo dự án… giúp học sinh phát triển toàn diện.
Về cơ cấu giải thưởng, Ban tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi Hackathon STEM IOT 2016 sẽ chọn trao 1 giải Nhất (1 bộ thiết bị Genuno & TUHOC; Chứng nhận của Ban tổ chức cho các thành viên trong nhóm; Học bổng toàn phần 1 khóa học STEM cho các thành viên trong nhóm); 2 giải Nhì (1 bộ thiết bị Genuno & TUHOC; Chứng nhận của Ban tổ chức cho các thành viên trong nhóm; Học bổng 30% một khóa học STEM cho các thành viên trong nhóm); và 3 giải Ba (1 bộ thiết bị Genuno & TUHOC; Chứng nhận của Ban tổ chức cho các thành viên trong nhóm).
Theo Ictnews.vn