Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng: năm 2015, doanh thu lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của Đà Nẵng đạt 49,3 triệu USD, tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ, nhân lực làm việc trong lĩnh vực này tăng lên nhanh chóng, đạt con số trên dưới 10.000 người. Kết quả trên là sự đóng góp tích cực của khoảng 200 doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm tại Đà Nẵng.
Ông Vy Văn Việt, Giám đốc Công ty TNHH đào tạo và công nghệ iViettech cho biết: theo thống kê của iViettech, trong năm 2015, các doanh nghiệp CNTT tại Đà Nẵng có nhu cầu tuyển dụng gần 4.000 lập trình viên. Đặc biệt, từ năm 2015 đến 2020, FPT Software Đà Nẵng cần tuyển trung bình từ 800 đến 2.000 người mỗi năm nhằm đáp ứng mục tiêu 10.000 người và 300 triệu USD doanh thu vào năm 2020.
Thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp đã ráo riết tuyển dụng với nhiều ưu đãi như: mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng; được tăng lương mỗi năm 1 lần; có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài…
"Ngành công nghiệp CNTT, cùng với các ngành công nghệ cao, đã được lãnh đạo TP Đà Nẵng chọn là ngành kinh tế đột phá và gửi gắm rất nhiều kỳ vọng, đóng góp xứng đáng cho mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực là vấn đề lớn được đặt ra cho các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Trong khi đó, mỗi năm Đà Nẵng có gần 3000 sinh viên ngành CNTT ra trường nhưng chỉ 20% trong số đó được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp. Vậy các doanh nghiệp phần mềm nên nghiên cứu đưa ra giải pháp gì để có thể nâng tỷ lệ sinh viên ngành CNTT có việc làm lên đến 70%, đáp ứng được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT của các doanh nghiệp", ông Việt trăn trở.
Ông Vy Văn Việt, Giám đốc Công ty TNHH đào tạo và công nghệ iViettech (áo trắng, thứ 2 từ phải qua) trao học bổng 1 triệu đồng khóa học lập trình viên cho 3 sinh viên ngành CNTT
Với thông điệp: “Doanh nghiệp cần - Sinh viên có”, các doanh nghiệp phần mềm đã định hướng những kỹ năng mà các bạn sinh viên CNTT phải chuẩn bị đó là: nắm vũng kiến thức chuyên ngành, kinh nghiệm làm việc, sử dụng tốt một ngoại ngữ (khuyến khích các ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Nhật) và thái độ làm việc.
“Xác định nghề nghiệp mà mình theo đuổi ngay khi còn là sinh viên, kiên trì theo đuổi mục tiêu đề ra với sự đam mê cũng như thái độ nghiêm túc trong công việc, trang bị kỹ năng mềm… là những tiêu chí mà nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn bạn", ông Huy Nguyễn - Giám đốc Công ty Sioux Vietnam có 10 năm kinh nghiệm trong việc phỏng vấn tuyển dụng nhấn mạnh.
"Đây là giai đoạn hội nhập quốc tế, Việt Nam không còn lợi thế về cạnh tranh lao động giá rẻ mà là cạnh tranh về chuyên môn, tính chuyên nghiệp và quốc tế hóa, nếu các bạn sinh viên không có kỹ năng cần thiết mà doanh nghiệp cần thì khó cạnh tranh trong thị trường lao động đang ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế", ông Đặng Ngọc Hải - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng nhắn nhủ đến các bạn trẻ.
Theo Ictnews.vn