Phân hệ đăng ký khai sinh và cấp số định cá nhân do Viettel ICT xây dựng và phát triển đã được Bộ Tư pháp và Bộ Công an phối hợp triển khai thí điểm từ ngày 1/1/2016 . Nguồn: Internet
Mới đây, Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng triển khai thí điểm phân hệ đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân đã được tổ chức tại các điểm cầu Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Phân hệ đăng ký khai sinh và cấp số định cá nhân do Viettel ICT xây dựng và phát triển đã được Bộ Tư pháp và Bộ Công an phối hợp triển khai thí điểm từ ngày 1/1/2016 tại 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và huyện Quế Phong của tỉnh Nghệ An. Tính đến hết ngày 27/4/2015, trên toàn Phân hệ đã ghi nhận có 88.982 hồ sơ đăng ký khai sinh được đăng ký thành công, trong đó có 84.674 trường hợp thuộc diện đăng ký khai sinh lần đầu, được cấp số định danh cá nhân. Các trường hợp còn lại thuộc diện đăng ký khai sinh lần đầu nhưng trẻ được khai sinh lấy quốc tịch nước ngoài hoặc thuộc diện đăng ký khai sinh lại, do đó không được cấp số định danh.
Số định danh được cấp từ ngày 1/1/2016 là số định danh chính thức sẽ sử dụng trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và được dùng khi cấp thẻ căn cước công dân sau này. Quá trình thực hiện thí điểm Phân hệ đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho trẻ em, Hệ thống đã cấp tài khoản cho 1.594 công chức làm công tác hộ tịch ở 1.276 đơn vị phòng tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã, thuộc các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, kết quả qua 3 tháng thí điểm phân hệ đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân đã khẳng định hướng đi kịp thời và hiệu quả của công tác thí điểm này.
Việc xây dựng phân hệ đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân thành công chính là tiền đề quan trọng để triển khai cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên diện rộng trong thời gian tới.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thực hiện Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tập đoàn Viettel ứng vốn thực hiện dự án này.
Dự án CSDL quốc gia về dân cư được thực hiện trong 2 năm, từ 2016 - 2017, với tổng mức đầu tư sau thuế là 3.367 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước.
Mục tiêu của dự án này là xây dựng CSDL quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo kế hoạch, trong thời gian 2 năm thực hiện dự án (2016 - 2017), hệ thống CSDL quốc gia về dân cư sẽ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, được triển khai và quản lý tập trung tại Bộ Công an với các nội dung chính gồm: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật; Thuê hạ tầng truyền dẫn; Xây dựng, triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và các yêu cầu chức năng, nghiệp vụ của ngành Công an phục vụ thu thập, cập nhật thông tin; Tổ chức thu thập, tạo lập, chuyển đổi dữ liệu dân cư và cấp số định danh cá nhân cho công dân; Đào tạo về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo sử dụng phần mềm ứng dụng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý dân cư trên toàn quốc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an, Tập đoàn Viettel đề xuất phương án hoàn trả vốn ứng trước cho Viettel, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Công an tổ chức thu thập, cập nhật và khai thác thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư; xây dựng CSDL chuyên ngành đảm bảo khả năng kết nối với CSDL quốc gia về dân cư.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức thu thập, cập nhật và khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư.
Theo Ictnews.vn