Theo Japan Today, hai trận động đất liên tiếp có cường độ 6,4 độ Richter và 7,3 độ Richter đã làm rung chuyển cả miền nam Nhật Bản vào ngày 15/4 và 16/4 vừa qua. Tỉnh thiệt hại nặng nề nhất là Kumamoto, đảo Kyushu. Ngoài những thiệt hại về người, cụ thể có ít nhất 32 người chết, hơn 900 người bị thương, nhiều trường hợp bị thương nặng, hoặc đang bị mắc kẹt trong các đống đổ nát.
Những mất mát đau thương về con người là điều đáng tiếc nhất. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và hạ tầng của Nhật Bản cũng bị phá hủy nghiêm trọng. Theo tờ Reuters đưa tin, nhiều nhà máy sản xuất của các tập đoàn lớn như Toyota, Sony,... đã bị ngưng trề do thiệt hại nặng nề.
Nguồn cung cảm biến ảnh trên iPhone sẽ thiếu hụt trầm trọng
Theo hãng điện tử Sony, một nhà máy sản xuất cảm biến ảnh cung ứng cho iPhone của Apple đã buộc phải đóng cửa do thiệt hại từ trận động đất kép. Nhà máy trên được đặt tại Kumamoto, phía nam đảo Kyushu.
Sony cho biết thêm, nhà máy sản xuất cảm biến ảnh tại Nagasaki, cũng thuộc Kyushu sẽ phải tạm ngừng sản xuất một phần công suất. Hiện chưa có thông tin về thời điểm khôi phục lại công suất của nhà máy.
Được biết, Sony nắm trong tay khoảng 40% thị phần cảm biến ảnh CMOS, một loại mạch tích hợp có thể chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu điện. Trong smartphone, cảm biến này có chức năng chuyển đổi hình ảnh thu nhận được sang dữ liệu kỹ thuật số. Sony hiện đang có hai nhà máy sản xuất cảm biến CMOS đặt tại Nhật Bản.
Về phía đại diện của Sony khẳng định: "Chúng tôi không mong muốn bất kỳ một sự gián đoạn nguồn cung nào...Chúng tôi vẫn đang kiểm tra thiệt hại tại các nhà máy, nơi từng hoạt động ngày đêm để cung ứng sản phẩm ra thị trường".
Apple hiện chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về trường hợp của Sony.
Hàng loạt tập đoàn Nhật Bản điêu đứng
Theo nhật báo Japan Today, Kyushu được biết đến là một trung tâm sản xuất lớn của Nhật Bản trong vòng hai thập kỷ qua. Theo ước tính, hòn đảo này chiếm tới 25% sản lượng thiết bị bán dẫn của Nhật Bản. Tuy nhiên, trận động đất xảy ra trong hai hôm 15 và 16/4 thực sự đã giáng mạnh vào những nỗ lực tăng trưởng của hòn đảo này.
Cảnh tượng người đàn ông khóc trước ngôi nhà còn đang chôn vùi người mẹ của anh sau trận động đất tại Mashiki, Kumamoto gây xúc cảm mạnh mẽ tới tất cả mọi người. Ảnh AP
Thiên tai gây tác động tới toàn bộ người dân Nhật Bản, và chắc chắn có những tập đoàn hàng đầu tại quốc gia Mặt trời mọc. Nhiều nhà sản xuất điện tử đã buộc phải ngừng dây chuyền sản xuất tại Kyushu sau vụ động đất.
Tập đoàn điện tử Mitsubishi Electric đã ngừng sản xuất hai nhà máy đặt tại Kumamoto. Nơi đây vốn tập trung sản xuất các mô-đun màn hình thủy tinh thể được lắp đặt trên kính hiển thị chỉ đường cho xe hơi, và chip bán dẫn được sử dụng cho máy biến tần, xuất hiện trong các sản phẩm như điều hòa không khí hoặc xe điện.
Thảm họa tự nhiên vừa qua cũng chính thức "gõ cửa" ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, đặc biệt là các đại gia hàng đầu như Honda Motor hay Toyota Motor.
Cụ thể, công ty Honda Motor công bố đã cho dừng sản xuất hai nhà máy xe hơi tại Kumamoto. Điều đáng nói là năng lực sản xuất của nhà máy này khá lớn, đạt tới 250 ngàn xe/năm.
Còn đối với Toyota Motor, công ty này cho biết đã ngừng vận hành ba nhà máy sản xuất xe hơi, động cơ và trục bánh xe ở Fukuoka. Mặc dù không xảy ra bất kỳ thiệt hại nào nhưng Toyota cho biết, hãng cần kiểm tra lại tình trạng ổn định của các nhà máy trước khi vận hành trở lại.
Nissan Motor cũng ngừng sản xuất tại nhà máy Fukuoka, nơi tập trung sản xuất các dòng xe gồm Serena, Teana, Murano và Note.
Mặc dù, các công ty Nhật Bản đã được trang bị tinh thần, cùng nhiều giải pháp ứng phó trước mỗi trận thiên tai nhưng quả thực mà nói, thiên tai không chừa riêng ai và hậu quả nó đem lại vô cùng tàn khốc. Có chăng đó là nỗ lực vươn lên và thoát khỏi nghịch cảnh của chính mỗi công ty này và chúng ta, liệu có thể thấy một Nhật Bản hồi sinh và tiếp tục vươn lên giống như đã từng làm được sau trận động đất và sóng thần hồi năm 2011.
Trước đó, nhiều công ty tại Nhật Bản đã điều chỉnh triết lý sản xuất của mỗi công ty với tên gọi "Just in Time" tạm hiểu là sản xuất vừa đủ, kịp thời nguồn cung, tránh những thiệt hại kinh tế do gián đoạn sản xuất lâu dài. Đây là kinh nghiệm được đúc rút trong suốt giai đoạn nước Nhật vươn lên khỏi đống đổ nát của thảm họa tự nhiên kinh hoàng cách đây 5 năm.
Theo Ictnews.vn