Chợ Điện Tử (chodientu.vn) hôm đầu tuần này tổ chức họp báo cho biết hợp tác với đối tác Hàn Quốc để đưa những dòng mỹ phẩm chính hãng từ nước này về bán trên trang của họ.
Chợ Điện Tử tuyên bố sẽ chuyển từ "mở" sang "quản lý" - Ảnh: H.Đ
Ông Tiêu Võ Đình Phi, Giám đốc Chợ Điện Tử, cho biết định hướng trong năm 2016 sàn này sẽ chuyển từ “mở” sang “quản lý”. Trả lời ICTnews, ông Phi nói sẽ theo dõi hoạt động bán hàng trên Chợ Điện Tử, đối với các gian hàng bị báo kinh doanh hàng không chất lượng sẽ bị cảnh cáo và có thể bị ngưng không cho bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) này. Ông Phi cũng cho biết sẽ có hình thức tiền kiểm, nhằm kiểm tra trước các nội dung tin đăng, hình ảnh, chất lượng hàng hóa của các cửa hàng. Ngoài ra, sẽ có các điều kiện ràng buộc nhằm khép người bán vào các quy định để hàng hóa bán chất lượng, đúng nội dung tin đăng. Trường hợp khách hàng mua phải hàng không đúng chất lượng, người bán có thể bị phạt và Chợ Điện Tử sẽ cân nhắc phương án đền bù cho khách hàng.
Trong sự kiện hôm 12/4, Chợ Điện Tử hợp tác với Saeronnet và CJ Korea Express để đưa mỹ phẩm chính hãng từ Hàn Quốc sang bán trên Chợ Điện Tử. Với tình hình mỹ phẩm bán trên thị trường không rõ nguồn gốc, Chợ Điện Tử hy vọng kênh bán hàng chính hãng của họ sẽ tạo niềm tin cho người dùng mua hàng online. Ngoài việc bán hàng mỹ phẩm, thời gian tới Chợ Điện Tử cho biết họ có thể sẽ nhập các nguồn hàng chất lượng khác từ Hàn Quốc.
Ông Tiêu Võ Đình Phi (bên trái) cùng đối tác Hàn Quốc Saeronnet - Ảnh: H.Đ
Các loại mỹ phẩm Hàn Quốc bán trong giai đoạn đầu của Chợ Điện Tử sẽ là các thương hiệu The Face Shop, Missha, Snp, Mediheal, Elizaveveca, Guerisson, Too Cool For School, Phyto Tree, Holika…
Đại diện Saeronet cam kết giá cả bán tại Việt Nam và Hàn Quốc sẽ gần tương đương nhau. Chợ Điện Tử cho biết chỉ bán những hàng hóa bán chạy tại Hàn Quốc.
Trong các thương hiệu mỹ phẩm Chợ Điện Tử bán, có The Face Shop là thương hiệu đang được bán rộng rãi tại các thành phố lớn. Trả lời câu hỏi vì sao người dùng không mua hàng ở các cửa hàng này mà phải lên Chợ Điện Tử, ông Phi cho biết các cửa hàng này chỉ tiếp cận được đối tượng khách hàng thành phố, trong khi kênh của công ty ông có thể bán cho mọi khách hàng trên toàn quốc, kể cả vùng sâu vùng xa.
Nói về niềm tin của khách hàng khi mua hàng online, đại diện Saeronnet cho biết thị trường TMĐT Việt Nam chưa phát triển như Hàn Quốc nhưng chắc chắn sẽ phát triển ngày càng tốt, nếu các công ty kinh doanh bán hàng chất lượng thì từ từ sẽ gầy được niềm tin từ người dùng khi mua bán trên mạng.
Không riêng gì Chợ Điện Tử bắt đầu siết chặt hoạt động bán hàng, đồng thời tự nhập hàng chính hãng để bán cho khách – một cách để kiểm soát chất lượng bán ra. Trước đó, Lazada cho biết bắt đầu ký hợp đồng mới từ đầu tháng này với các gian hàng, thêm các điều khoản ràng buộc để bên bán hàng cung cấp hóa đơn chứng từ rõ ràng về nguồn hàng bán cho khách trên lazada.vn. Lazada cho biết sẵn sàng chấm dứt hợp tác với bất kỳ đối tác nào bán hàng kém chất lượng trên trang của họ. Ngoài ra, công ty cũng cung cấp email trực tiếp của CEO lên trang nhằm nhận các phản hồi trực tiếp từ khách hàng.
CEO Lazada Alexandre Dardy từng nói đến việc cho phép người dùng đặt mua các nguồn hàng từ các nhà bán hàng uy tín từ Trung Quốc thông qua trang Lazada.vn. Điều này trùng khớp với thông tin mới đây trang thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) tuyên bố mua lại cổ phần kiểm soát của Lazada toàn khu vực Đông Nam Á. Có thể nguồn hàng từ các nhãn hàng Trung Quốc mà ông Alexandre Dardy nói có được từ sự liên kết này.
Vấn đề niềm tin người dùng và chất lượng hàng hóa bán online đã được nói đến nhiều. Việc các ông lớn như Lazada hay Chợ Điện Tử bắt đầu thực hiện siết chặt hoạt động bán hàng là cần thiết, nhằm tạo môi trường mua bán lành mạnh trên mạng, giúp nền thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển.
Theo Ictnews.vn