Đến hết năm 2016, 100% dịch vụ hành chính công của ngành Giao thông vận tải được cung cấp ở mức 3. (Lễ khai trương dịch vụ công trực tuyến tham gia Cơ chế một cửa quốc gia và hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lĩnh vực đường thủy nội địa ngày 16/12/2015)
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ra quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử (Nghị quyết 36a). Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết 36a, trong đó tập trung tăng cường ứng dụng CNTT trong ngành GTVT để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; đưa Bộ GTVT trở thành bộ dẫn đầu về xây dựng Chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, kế hoạch của Bộ GTVT đã xác định rõ các chỉ tiêu cụ thể như: Xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ quản lý điều hành gồm các hệ thống ứng dụng dùng chung và các hệ thống ứng dụng chuyên ngành đảm bảo kết nối, liên thông toàn ngành, tiến tới đến năm 2020 đạt được chỉ tiêu 100% các thông tin quản lý điều hành được thực hiện trên môi trường mạng; Xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT, phấn đấu đến hết năm 2016, 100% các dịch vụ hành chính công được cung cấp ở mức độ 3, tăng cường triển khai các dịch vụ hành chính công mức độ 4. Đồng thời, xây dựng các hệ thống ứng dụng giám sát, quản lý điều hành giao thông, đảm bảo an toàn giao thông và trực tiếp cung cấp thông tin cho người dân thông qua các ứng dụng CNTT.
Trong kế hoạch này, Bộ GTVT cũng đã phân công rõ các đơn vị, cơ quan chủ trì và phối hợp cũng như ấn định về thời gian thực hiện đối với từng nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể như, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trung tâm CNTT và các Sở GTVT hoàn thiện và triển khai mở rộng đến các Sở GTVT hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe và cấp giấy phép lái xe quốc tế vào tháng 6/2016. Tháng 12/2016, Trung tâm CNTT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ và các đơn vị trực thuộc lên cổng thông tin điện tử của Bộ, Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc phối hợp với UBND TP.Hà Nội và TP.HCM thử nghiệm áp dụng giao thông thông minh trên một số tuyến đường khu vực đô thị được Bộ GTVT giao Trung tâm CNTT chủ trì thực hiện trong 2 năm 2016 - 2017…
Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành vào ngày 14/10/2015 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a trong quý IV/2015, Bộ GTVT đã triển khai xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với việc cấp, đổi giấy phép lái xe. Cụ thể, đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến này ở mức độ 3 tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 62 Sở GTVT trên cả nước.
Còn với nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý hạ tầng, tổ chức điều hành giao thông, thu phí không dừng, giám sát và xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc, hiện Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và khai thác an toàn, hiệu uqar hệ thống quốc lộ và đang triển khai theo hình thức xã hội hóa; đồng thời từ tháng 3 - 10/2015, đã thí điểm triển khai thu phí không dừng, kết hợp kiểm tra tải trọng tại 2 trạm thu trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14, hiện đang mở rộng triển khai tới 34 trạm. Đồng thời, Bộ GTVT đang xây dựng thí điểm 2 hệ thống giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông tại các tuyến đường Hà Nội - Lào Cai và Pháp Vân - Ninh Bình.
Theo Ictnews.vn