Theo Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sẽ xây dựng từ 2 - 3 khu CNTT tập trung tại mỗi thành phố. (Ảnh: khu CNTT tập trung Cầu Giấy - khu CNTT tập trung đầu tiên của Hà Nội)
Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, khu CNTT tập trung tập trung Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội được thành lập theo mô hình doanh nghiệp và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, do Công ty TNHH một thành viên Hanel làm chủ đầu tư.
Khu CNTT tập trung Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội có các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của khu CNTT tập trung quy định tại Điều 4 Nghị định 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ quy định về khu CNTT tập trung (Nghị định 154).
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khu CNTT tập trung Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội được hưởng các chính sách ưu đãi đối với khu CNTT tập trung quy định tại Nghị định 154 của Chính phủ và được hưởng các chính sách ưu đãi khác áp dụng đối với khu CNTT tập trung theo quy định của pháp luật.
Ngân sách nhà nước (của Trung ương và địa phương) hỗ trợ đầu tư, xây dựng hạ tầng khu CNTT tập trung Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội theo quy định của pháp luật, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời được vay vốn tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam để đầu tư, xây dựng hạ tầng khu CNTT tập trung Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội theo quy định của pháp luật.
Nghị định 154 của Chính phủ quy định chủ đầu tư xây dựng khu CNTT tập trung được Nhà nước hỗ trợ đầu tư cung cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu (đường giao thông, điện, nước sạch, tiêu thoát nước và các hạ tầng khác), tổ chức hệ thống giao thông vận chuyển hành khách công cộng đến khu CNTT tập trung; hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng khu CNTT tập trung; được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước tùy theo hình thức lựa chọn giao đất hoặc thuê đất...
Tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực CNTT tại khu CNTT tập trung được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất hoặc thuê lại đất đã xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định của pháp luật về đất đai; được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu CNTT tập trung...
Theo báo cáo công tác quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT tháng 2/2016, một trong những nhiệm vụ đã được Bộ tập trung triển khai trong tháng 2 là hoàn thiện hồ sơ thẩm định thành lập Khu CNTT tập trung Yên Bình, khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội - Hanel và thí điểm thành lập chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.
Ngày 3/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 333/QĐ-TTg thí điểm thành lập Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.
Trước đó, ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ khẳng định quan điểm phát triển các khu CNTT tập trung là tiền đề quan trọng để công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Lựa chọn các địa phương có lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông và CNTT, nguồn nhân lực về CNTT và mức độ ứng dụng, phát triển CNTT để xây dựng các khu CNTT tập trung.
Quy hoạch nhằm mục tiêu xây dựng một số khu CNTT tập trung ở các tỉnh, thành phố có điều kiện theo quy định của pháp luật, nhất là nguồn vốn để triển khai xây dựng hạ tầng CNTT tập trung (từ ngân sách nhà nước địa phương và nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp), đã có các dự án đầu tư, các sản phẩm CNTT lớn. Riêng với 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sẽ xây dựng từ 2 - 3 khu CNTT tập trung tại mỗi thành phố.
Theo Ictnews.vn