Cơ chế trả lương đặc thù hiện vẫn là một thế mạnh giúp Viettel có thể thu hút nhiều nhân sự chất lượng cao tron ngành viễn thông Việt Nam.
Xét về lý, việc doanh nghiệp nào góp mặt trong danh sách SMP đều do pháp luật quy định, không phụ thuộc mong muốn chủ quan của bất kỳ ai. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là phải bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thị trường, và thị trường viễn thông Việt Nam có được sự phát triển hôm nay chính là do đã sớm mở cửa cho cạnh tranh.
"Yêu cầu quan trọng nhất đối với viễn thông là lúc nào cũng phải duy trì áp lực cạnh tranh. Chúng ta không muốn một doanh nghiệp quá mạnh, áp đảo hết các đối thủ khác mà mong muốn tất cả các doanh nghiệp đều mạnh", nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng từng khẳng định rõ.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia viễn thông kỳ cựu cho rằng, một quy định có thể tạo sự đồng tình với nhiều doanh nghiệp, nhưng không tránh khỏi sẽ có những doanh nghiệp phản đối nếu lợi ích của họ bị đụng chạm. Tuy nhiên, việc xây dựng hành lang pháp lý không thể chiều lòng tất cả mọi người, mà phải đảm bảo quyền lợi cao nhất cho nhà nước, cho xã hội, cho thị trường và cho người dùng. Nói cách khác, quyền lợi các bên liên quan cần phải được dung hòa, cân đối và đặt trong tổng thể.
Hơn nữa, cách quản lý phi đối xứng như vậy nói chung các nước trên thế giới đều áp dụng để thúc đẩy và bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, vì một mặt cách quản lý này giúp cho các nhà mạng nhỏ có cơ hội vươn lên thành những nhà mạng lớn, mặt khác lại hạn chế các nhà mạng lớn trở thành độc quyền.
Đối với đề xuất "điều chỉnh các quy định liên quan đến doanh nghiệp thống lĩnh" mà Viettel đưa ra, nên nhớ rằng quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp SMP không chỉ chịu quy định của Luật Viễn thông mà còn phải tuân theo Luật Cạnh tranh.
Còn xét về tình, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải từng băn khoăn trực tiếp với Viettel, "Doanh nghiệp lớn nhất thị trường sao lại xin "bình đẳng" với các doanh nghiệp khác nhỏ hơn?".
Nhiều cơ chế đặc thù
Trong khi đó, những lợi thế, ưu thế của Viettel mà các mạng còn lại không có được, như cơ chế trả lương đặc thù, lại không thấy nhắc đến. Một thực tế rõ ràng là hiện nay, Tập đoàn này đang được ưu ái hơn về cơ chế trả lương. Viettel có thể dễ dàng kéo người, hút chất xám từ hai mạng còn lại là MobiFone, VinaPhone vì mức lương rất tốt.
Được biết, hiện Viettel đang được thực hiện cơ chế khoán lương trên doanh thu trừ chi phí trước lương. Theo đó, DN này khoán 50% quỹ lương dựa trên giá trị tăng thêm nhằm khuyến khích các đơn vị, chi nhánh hạch toán phụ thuộc phải liên tục tạo ra doanh thu mới. Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh từng đánh giá rằng, khoán quỹ lương chính là điểm then chốt để Viettel có được ngày hôm nay vì thu hút được đông đảo người tài.
Nhưng không chỉ có lương thưởng, MobiFone cũng từng bức xúc về việc điều kiện xây dựng hạ tầng mạng áp dụng cho Viettel cũng dễ dàng hơn hẳn so với các nhà mạng khác. Chẳng hạn như tại Hà Nội, Viettel được Hà Nội hỗ trợ mạnh về xây dựng toàn bộ trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) trong đất công, và khi được xây dựng rồi, các trạm được phát sóng. Trong khi đó, trạm MobiFone được xây dựng và được phép phát sóng 2 – 3 tháng rồi mà vẫn có thể bị yêu cầu tháo dỡ.
Đối với vấn đề này, quan điểm quản lý của Bộ TT&TT đã được nêu rất rõ ràng và nhắc lại nhiều lần, bởi Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Về cơ bản nguyên tắc quản lý kinh tế, Nhà nước không để các doanh nghiệp ép giá, phá giá, trong trường hợp có những biến động lớn Nhà nước sẽ tiến hành những biện pháp bình ổn giá cả trên thị trường.
"Chúng tôi đang cố gắng duy trì ít nhất là 3 nhà cung cấp dịch vụ tương đương nhau trên thị trường. Đối với các nhà mạng khác, đặc biệt là mạng nhỏ thì đỡ bị quản lý hơn. Họ không phải là những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nên được quyền ban hành các giá cước, thực hiện các chương trình khuyến mại mà trong thời gian đầu có thể bị lỗ và xét ra giá dịch vụ có thể thấp hơn giá thành của họ. Tuy nhiên, dù thế nào thì cũng không được bán với giá quá thấp so với mặt bằng chung trên thị trường".
Theo Ictpress.vn