Tại buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo tỉnh Nam Định với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cùng lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ, Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an thống nhất về CSDL thông tin trên CMND được cập nhật trên hệ thống phần mềm của các doanh nghiệp để các thông tin, số chứng minh thư giả mạo (thông tin ảo) không thể kích hoạt được trên hệ thống
Về đề nghị này, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông nhận định rằng việc triển khai khá phức tạp.
“Từ năm 2015, Cục Viễn thông đã làm việc với Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu Quốc gia (C72) - Bộ Công an về việc triển khai CSDL quốc gia về CMND. Được biết, việc triển khai đã dừng từ năm 2013 để chờ có căn cước công dân từ 1/1/2016. Về cơ bản, hiện nay CMND mới (12 số) thì mới có khoảng 1 triệu người được cấp; còn lại là CMND 9 số được quản lý theo từng tỉnh thành.
C72 cho biết việc triển khai tập trung CSDL Quốc gia về CMND chỉ được tiến hành khi nào thay toàn bộ CMND 9 số thành 12 số, nghĩa là tới năm 2028 mới có thể hoàn thành”, ông Nguyễn Đức Trung nói.
CSDL Quốc gia về CMND là một trong những giải pháp tối ưu nhằm tăng cường hiệu quả quản lý thuê bao di động trả trước. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Cũng theo Cục trưởng Cục Viễn thông, “để tăng cường tính chính xác thông tin thuê bao, nếu chờ Bộ Công an thì rất lâu. Bộ TT&TT sẽ chủ động triển khai nhiều giải pháp về kinh tế kỹ thuật, tăng cường ứng dụng CNTT, quản lý cước, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường thông tin báo chí tuyên truyền...”.
“Bộ TT&TT đang xem xét nghiên cứu, ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 04 về quản lý thuê bao, trong đó sửa đổi về quy định đăng ký thuê bao, quản lý thông tin thuê bao để phù hợp tình hình mới. Cục kiến nghị Bộ TT&TT không hoàn toàn trông chờ vào sự hoàn thành CSDL tập trung của Bộ Công an. Cần có giải pháp chủ động hơn trong quản lý thông tin thuê bao. Cục cũng kiến nghị, hiện nay thông tin thuê bao trả sau quản lý rất tốt, vì thế, sẽ có biện pháp để thuê bao trả trước hay thuê bao trả sau cũng đều được quản lý tương tự nhau”, Cục trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết thêm.
Đồng tình với nhận định của Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: “Quản lý thuê bao trả trước là vấn đề thách thức của Bộ TT&TT. Đây là một trong những nguồn phát tán tin nhắn rác. Hiện có 90% sim trả trước, 10% sim trả sau. Việc quản lý thuê bao trả trước rất khó khăn. Viễn thông đang đưa lệch pha. Đáng nhẽ khuyến khích cho thuê bao trả sau được nhiều dịch vụ tốt hơn thì giờ trả trước lại được lợi hơn. Cơ quan quản lý nhà nước muốn phát triển thuê bao trả sau để quản lý tốt hơn. Bởi vậy, đang nghiên cứu để khuyến khích người sử dụng dịch vụ thuê bao di động trả trước đăng ký sử dụng dịch vụ thuê bao di động trả sau bằng việc ban hành chính sách điều chỉnh để tiến tới người dùng thuê bao trả sau được hưởng nhiều lợi ích hơn. Mong các doanh nghiệp ủng hộ, cùng nghiên cứu để phát triển theo hướng vừa có lợi nhuận, vừa đảm bảo hiệu quả cho công tác quản lý, an ninh”.
Theo Ictnews.vn