Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cả 7 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thông tin mạng đều phải được trình vào tháng 4/2016. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Ngày 1/2/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 196/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 46 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành 11 luật được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, trong đó có Luật An toàn thông tin mạng.
Luật An toàn thông tin mạng được Bộ TT&TT khởi động xây dựng từ năm 2011. Sau gần 4 năm xây dựng và hoàn thiện, ngày 19/11/2015, trong phiên họp toàn thể tại hội trường của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật An toàn thông tin mạng với 424/425 đại biểu có mặt tán thành. Cùng ngày 19/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký ban hành Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13. Tiếp đó, vào ngày 18/12/2015, cùng với các Luật, Nghị quyết khác được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật An toàn thông tin mạng.
Để bảo đảm triển khai hiệu quả các quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, Thủ tướng Chính phủ vừa phân công các Bộ TT&TT, Quốc phòng, Công an chủ trì soạn thảo 7 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật này.
Cụ thể, Bộ TT&TT được giao chủ trì soạn thảo 4 văn bản gồm: Nghị định quy định chi tiết về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ; Nghị định quy định chi tiết về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Phương án ứng cứu thảm họa thông tin quốc gia; và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin.
Bộ Quốc phòng được giao chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và thi hành Luật an toàn thông tin mạng về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự (Danh mục san phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép kèm theo Nghị định); Nghị định quy định chi tiết về hoạt động ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.
Với Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ phân công bộ này chủ trì soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm và các biện pháp ngăn chặn hoạt động sử dụng mạng để khủng bố.
Cả 7 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thông tin mạng đều phải được các Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4/2016.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ chủ trì soạn thảo phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên tập trung bố trí đủ nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, các Bộ phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động nghiên cứu xây dựng, ban hành các thông tư quy định chi tiết thi hành các vấn đề được luật giao, bảo đảm chất lượng, tiến độ, để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, Luật An toàn thông tin mạng là bộ luật quan trọng sẽ làm nền tảng cho việc triển khai các hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam. Luật này gồm 8 Chương, 54 Điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn; quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Theo Ictnews.vn