Bộ TT&TT sẽ tiến hành kiểm tra các sản phẩm đầu thu số DVB-T2 đã cung cấp ra thị trường.
Đầu thu số DVB-T2 phải đảm bảo thu được sóng mạng đơn tần
Trong phiên họp Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam vào chiều ngày 21/1/2016 tại Bộ TT&TT, vấn đề kiểm soát chất lượng đầu thu số DVB-T2 đã được nhiều ý kiến đưa ra. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm yêu cầu Cục Viễn thông cần phối hợp với Cục Tần số Vô tuyến điện, các Sở TT&TT tăng cường công tác hậu kiểm đối với các đầu thu số DVB-T2 khi bán ra thị trường phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật về thu sóng truyền hình số DVB-T2 đã được Bộ TT&TT ban hành.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam đã nêu ra vấn đề, thị trường đầu thu có nhiều loại, đều đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu thông ra thị trường nhưng khoảng cách về giá lại quá chênh lệch. Giá của các sản phẩm đầu thu đã thực hiện công bố hợp quy thấp nhất là 290.000 đồng, cao nhất là 890.000 đồng, khoảng cách quá xa cho nên rất khó khăn khi triển khai Dự án hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn ngân sách Trung ương. Khó khăn nhất là khi đặt bài thầu, nếu theo tiêu chí kỹ thuật thì các doanh nghiệp đã công bố hợp quy đều lọt, nhưng vào đến vòng giá thì theo Luật chỉ được chọn sản phẩm có giá thấp nhất. Nguy cơ rủi ro khi chọn sản phẩm giá thấp sẽ rất cao, bởi giá thấp chất lượng kém khi cấp cho người dân dùng có lỗi, mau hỏng sẽ có nhiều vấn đề phát sinh.
Ông Dũng cũng đề cập việc qua báo chí phản ánh, gần đây rất nhiều đầu thu ở khu vực phía Nam không thu được sóng mạng đơn tần do SDTV phát. Vấn đề này đang có nhiều quan điểm khác nhau, phía doanh nghiệp bán đầu thu cho biết việc xử lý rất đơn giản, chỉ cần mang USB đến thuê bao, tải phần mềm hỗ trợ là xong.
“Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn và không đơn giản. Với một dự án vài trăm ngàn đầu thu, trải rộng tại vài chục tỉnh mà mang USB đến từng nhà khách hàng để hỗ trợ khi có trục trặc là điều khó thực hiện. Bên cạnh đó, thời gian qua xuất hiện một clip phản ánh nhiều đầu thu trong dự án hỗ trợ ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam bị hư hỏng. Do đó, chất lượng đầu thu số DVB-T2 là vấn đề rất đáng lo lắng”, ông Dũng phát biểu.
Liên quan đến ý kiến này, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho rằng, Bộ TT&TT đã ban hành quy chuẩn về các thiết bị thu và phát sóng số DVB-T2, nên cứ thiết bị nào đã được thực hiện công bố hợp quy là đúng quy chuẩn.
“Đối với vấn đề khó khăn khi thu sóng mạng đơn tần của SDTV là do những loại đầu thu đó không đảm bảo thu được sóng mạng đơn tần. Do đó, trong hồ sơ thầu phải đưa vào tiêu chí, các doanh nghiệp cung cấp đầu thu phải đảm bảo thu được sóng mạng đơn tần”, ông Hoan nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của ông Hoan, ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ TT&TT cho hay, QCVN 63 và QCVN 64 là một cặp tiêu chuẩn cho quy chuẩn thu và phát sóng mạng truyền hình số mặt đất DVB-T2. Giữa phát và thu hoàn toàn tương thích với nhau, chỉ có những thiết bị chưa đủ tiêu chuẩn mới không thu được sóng mạng đơn tần.
"Nếu cho rằng công bố hợp quy là đạt chất lượng rồi thì hiểu chưa đúng"
Về chất lượng thiết bị thu, ông Công cho hay, đối với tivi tích hợp tính năng thu DVB-T2 không đáng ngại về chất lượng vì sản phẩm này toàn do các tập đoàn chủ lực về điện tử trên thế giới sản xuất.
Nhộn nhạo nhất là ở thị trường đầu thu, hiện chủ yếu do các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ làm chủ thị trường. Ông Công đề nghị, phải kiểm tra thực tế sản phẩm đầu thu DVB-T2 trên thị trường xem các doanh nghiệp có làm đúng như hồ sơ đã nộp khi thực hiện công bố hợp quy hay không. Bởi nếu không kiểm tra có khi doanh nghiệp công bố một đằng, làm một nẻo. Nếu công bố sai cần có biện pháp răn đe và xử phạt.
Về quy trình tiếp nhận công bố hợp quy, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, các sản phẩm thu truyền hình số như đầu thu hay tivi số đều do các tổ chức, cá nhận tự thực hiện công bố hợp quy, Cục Viễn thông chỉ tiếp nhận thủ tục công bố hợp quy hoàn toàn qua hồ sơ và ghi nhận đơn vị đó đã thực hiện công bố hợp quy đúng quy chuẩn được nhà nước ban hành.
Nhà nước chỉ kiểm tra hồ sơ và ghi nhận, không chịu trách nhiệm khi hàng hóa không đạt chất lượng. Nhiều người hiểu được công bố hợp quy là đạt chất lượng rồi là hiểu chưa đúng. Nếu doanh nghiệp công bố hợp quy rồi nhưng vẫn cung cấp sản phẩm không đạt yêu cầu, khi nhà nước kiểm tra thì doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm với nhà nước và người dân.
“Đối với việc công bố hợp quy, nhà nước sẽ kiểm soát hậu kiểm, còn khi nộp công bố hợp quy hoàn toàn nộp trên giấy tờ, doanh nghiệp cũng không phải nộp sản phẩm để đo kiểm. Nhưng khi phát hiện chất lượng đầu thu kém qua các kênh báo chí, hay người dân phản ánh thì cơ quan nhà nước kiểm tra và có quyền xử phạt”, ông Tuấn cho hay.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng, gian lận thương mại là việc không thể tránh khỏi. Do đó, Cục Viễn thông cần phối hợp với các đơn vị như Cục Tần số Vô tuyến điện, các Sở TT&TT tiến hành lấy mẫu đầu thu bán trên thị trường về tiến hành đo kiểm, xem doanh nghiệp có cung cấp sản phẩm đúng tiêu chuẩn đã đăng ký trong hồ sơ hay không. Nếu phát hiện sai phạm phải xử phạt một số vụ trọng điểm để có tính chất răn đe.
“Về những phản ánh về chất lượng đầu thu ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam trên các diễn đàn cũng cần phải kiểm tra kỹ thông tin, bởi không có lửa làm sao có khói”, Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo.
Theo Ictnews.vn