Cuối năm 2015, Tổng Công ty Đường sắt Việt nam (ĐSVN) đã có một số thay đổi về dịch vụ, từ ngày 1/10/2015, khách hàng đã có thể mua vé tàu qua trang web dsvn.vn và có thể thanh toán trả sau, hoặc thanh toán trực tuyến bằng tài khoản thẻ quốc tế của Visa, Master Card, JCB hay Union Pay.
Đến 8/1/2016, đối tác về kỹ thuật của Tổng Công ty ĐSVN là FPT tiếp tục giới thiệu ứng dụng (app) Đường sắt Việt Nam cho các điện thoại chạy hệ điều hành iOS hay Android trên App Store và Google Play.
Nhu cầu về dịch vụ đường sắt của người dân rất cao - ảnh: Bình Nguyên
Qua app, người dùng có thể dễ dàng truy cập các thông tin liên quan đến vé tàu, các tuyến đường, giờ tàu chạy, hệ thống cho phép người dùng đăng ký thông tin một lần và không phải nhập lại những lần sau. Tuy nhiên, ứng dụng Đường sắt Việt Nam vẫn chưa cho phép thanh toán bằng các tài khoản tín dụng, mà chỉ chấp nhận thanh toán trả sau tại các quầy giao dịch của đường sắt Việt Nam.
“Đã dùng smartphone thì cũng không lạ gì với việc thanh toán trực tuyến, mình nghĩ là việc này chưa được thuận tiện cho lắm”, anh Thái Minh Quốc (Vinh, Nghệ An) cho biết. Nhiều người dùng khác khi được hỏi cũng cho rằng, họ cần một giải pháp mua vé và thanh toán toàn diện.
Hiện tại, khách hàng vẫn chưa thể thanh toán trực tuyến qua ứng dụng mua vé tàu Đường sắt Việt Nam dành cho di động.
Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Vận tải Hành khách, Công ty Hệ thống thông tin FPT (đơn vị xây dựng app Đường sắt Việt Nam) cho biêt: “Về mặt kỹ thuật, ứng dụng đã có thể phục vụ người dân đặt vé và cho phép thanh toán trả sau, các chức năng không khác so với khi đặt vé trên web. Việc liên kết với nhà cung ứng dịch vụ cổng thanh toán qua ứng dụng đang được nghiên cứu và tìm phương án đưa vào sử dụng”.
Trao đổi với ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, được biết, nguyên nhân của vấn đề trên là do đối tác cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến của hệ thống (Banknet) chưa hỗ trợ việc thanh toán bằng thẻ nên tính năng này chưa được tích hợp với ứng dụng trên điện thoại thông minh. Tổng công ty ĐSVN đang phối hợp với Liên danh nhà thầu, tìm kiếm các đối tác thanh toán trực tuyến khác để hoàn thiện và chính thức ra mắt phiên bản đầy đủ của ứng dụng trên điện thoại di động vào đầu Quý 2 năm 2016.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết về kế hoạch hoàn thiện việc ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động đường sắt cho đến năm 2020. Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực CNTT, có thể chỉ vài tháng là công nghệ đã thay đổi chóng mặt.
Trước đó, trong ngày Internet Day, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, Việt Nam có khả năng bắt kịp các quốc gia phát triển với quan điểm: "quy mô không bằng tốc độ, kinh nghiệm không bằng tư duy". Bằng việc ứng dụng công nghệ, Việt Nam có thể đẩy mạnh việc hiện đại hoá các yếu tố liên quan đến sản xuất, dịch vụ để có cơ hội đuổi kịp và thậm chí vượt qua những nền kinh tế quy mô lớn.
Theo Ictnews.vn