Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), cho đến thời điểm cận kề Tết Nguyên Đán Bính Thân, vé tàu chạy giai đoạn trước Tết (từ ngày 29/1/2016 - 6/2/2016) và sau Tết (từ 11/2/2016 – 23/2/2016) đã bán được tổng cộng 572.197 vé qua hệ thống bán vé trực tuyến, về cơ bản các vé tàu Tết đã được bán hết theo kế hoạch, chỉ còn ghế phụ của một số mác tàu chạy thêm.
Cách đây 2 tuần, vào thời điểm 6/1/2016, ICTnews đã chuyển câu hỏi đến ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Vận tải Hành khách, Công ty Hệ thống thông tin FPT, đối tác kỹ thuật trong việc xây dựng hệ thống bán vé tàu trực tuyến của ĐSVN về thời điểm sẽ phát hành tiếng Anh cho cổng bán vé trực tuyến. Ông Bùi Thanh Bình cho biết, sẽ hoàn thiện phiên bản tiếng Anh và dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 2/2016. Tiếng Anh được nhiều khách du lịch sử dụng nên việc hệ thống bán vé trực tuyến có thêm ngôn ngữ này là cẩn thiết, để thuận tiện cho việc di chuyển bằng đường sắt của du khách.
Sau đó, ICTnews cũng chuyển vấn đề trên đến Tổng công ty ĐSVN và hiện tại, người dùng đã có thể truy cập vào hệ thống mua vé tàu trực tuyến của Tổng công ty ĐSVN với giao diện bằng tiếng Việt, hoặc tiếng Anh. Trước ngành đường sắt, hệ thống thanh toán vé máy bay trực tuyến của ngành hành không đã phát triển từ rất sớm.
Các tình nguyện viên đang hướng dẫn hành khách mua vé tàu trực tuyến - ảnh: Bình Nguyên
Là một trong những đơn vị chủ lực trong ngành GTVT, nhưng cả năm 2015, Tổng công ty ĐSVN chỉ lãi có 65 tỷ đồng, con số này là vô cùng khiêm tốn nếu so sánh với lợi nhuận lên tới 1.400 tỷ đồng của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Trong hội nghị tổng kết công tác năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 của ĐSVN, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chia sẻ, ông cảm thấy buồn vì: “Toàn Tổng công ty Đường sắt to như thế mà cả năm chỉ thu lãi được 65 tỉ đồng và phấn đấu tăng lên được 69 tỉ vào năm 2016. Đưa ra con số như thế thì làm sao mà phát triển?”.
Tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN cũng thừa nhận, việc kinh doanh trong ngành đường sắt của Việt Nam đang thiếu hiệu quả và ĐSVN vừa tổ chức hội nghị tri ân khách hàng, thực chất là mời khách hàng đến để xin lỗi, "cầu cạnh" người ta quay lại để phát triển.
Ngoài việc cơ sở hạ tầng cũ kĩ, với những khổ ray nhỏ chưa tối ưu được việc vận chuyển hàng hoá và hành khách, ngành ĐSVN cần đầu tư vào công nghệ cao để nâng cao năng lực phục vụ của mình. Mới đây, trong buổi giới thiệu về các giải pháp giao thông thông minh, bao gồm cả các giải pháp về công nghệ cho đường sắt của Huawei, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã nhấn mạnh về việc ứng dụng các giải pháp CNTT vào ngành giao thông sẽ đem lại bộ mặt mới cho ngành. Tuy nhiên, chưa thể nói rằng Việt Nam đang có một nền giao thông thuận tiện, những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, hệ thống giao thông đang có áp lực nặng nề bởi sự tăng trưởng dân số bằng biểu hiện cụ thể như tình trạng kẹt xe liên tục trong giờ cao điểm.
Nói về tình hình ứng dụng CNTT vào công tác điều hành và sản xuất kinh doanh, ông Đoàn Duy Hoạch nói đây là một trong những nhiệm vụ của Tổng công ty trong thời gian tới, ông Hoạch cho biết: “Tổng công ty đã phối hợp với nhiều đơn vị có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn để triển khai hàng loạt các dự án CNTT tiêu biểu như: Hệ thống bán vé điện toán; Hệ thống cảnh báo đường ngang tự động; Nâng cấp và hiện đại hóa Thông tin tín hiệu đường sắt; Hệ thống điều khiển tập trung; Hệ thống giám sát tốc độ chạy tàu tại ga Hải Vân; Hệ thống tín hiệu đuôi tàu hàng; Hệ thống liên lạc trưởng tàu lái máy...
Ông Hoạch khẳng định, từ nay đến năm 2020, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, hoàn thiện và ứng dụng trong các lĩnh vực cụ thể như: Hoàn thiện hệ thống vé tàu điện tử cho phép bán vé qua điện thoại di động; quản lý và chăm sóc khách hàng; quầy in vé và thanh toán tự động; hệ thống bảng thông tin điện tử; Mở rộng hệ thống đại lý... cùng với hệ thống dịch vụ tiện ích trực tuyến khác.
Theo Ictnews.vn