Người dùng di động Android, iOS luôn là "miếng mồi" để trojan ngân hàng rình rập tấn công.
Theo phân tích của hãng bảo mật Dr Web, năm 2015 đã đánh dấu việc lan rộng loại Trojan mã hóa ransomware nhắm vào nền tảng Linux và được điều khiển để lây nhiễm sang hơn 3.000 máy tính trên toàn thế giới. Một số lượng lớn các chương trình độc hại mới nhắm vào nền tảng Microsoft Windows, hệ điều hành phổ biến với lượng người dùng lớn nhất hành tinh.
Trong số đó có các bộ mã hóa mới, backdoors, spyware và phần mềm khai thác tiền ảo. Số lượng các Trojan mới nhắm vào nền tảng OS X đã tăng lên đáng kể , trong đó đứng đầu các phần mềm độc hại nền tảng này là những ứng dụng quảng cáo và các ứng dụng không mong muốn.
Trong số mã độc lây lan qua thư điện tử, một trong những mã độc nguy hiểm nhất của năm 2015 là ransomware mã hóa với tên gọi Trojan.Encoder.567. Mã độc này mã hóa tập tin trên máy tính và đòi một khoản tiền chuộc để giải mã dữ liệu bị xâm nhập tấn công.
Đánh giá từ các mối đe dọa, hãng bảo mật Dr Web cho rằng hệ điều hành Android đứng thứ hai chỉ sau Microsoft Windows.
Cũng trong năm 2015, rất nhiều kẻ lừa đảo tiếp tục phát triển chương trình mới ngày càng tinh vi và độc hại. Các mạng máy tính ma (botnet) vẫn gia tăng hoạt động, hầu hết trong số đó liên quan đến virus Win32.Rmnet.12 và Win32.Sector.
Năm 2015, một trong những Trojan nổi cộm là Linux.BackDoor.Gates.5. Trojan này có thể điều khiển các cuộc tấn công từ chối dịch vụ - DDoS vào các trang web khác nhau. Tổng cộng tội phạm mạng đã thực hiện khoảng 31.880 cuộc tấn công như vậy trên mạng Internet.
Sau khi phân tích các diễn biến thực tế và tình hình an ninh thông tin, phía Dr.Web cho rằng trong năm 2016, sự phát triển liên tục các chương trình độc hại nhắm vào nền tảng Linux và iOS sẽ không giảm.
Các tính năng độc hại sẽ được tích hợp thêm vào mã độc. Do đó, ngoài phần mềm quảng cáo và installer cài đặt các ứng dụng không mong muốn, người dùng Apple có thể phải đối mặt với phiên bản mã hóa đầu tiên tấn công OS X.
Phần mềm độc hại mới tấn công Android cũng tiếp tục xuất hiện. Trojan ngân hàng (Banking Trojan) chắc chắn sẽ là nhân tố chính. Người sử dụng các thiết bị di động của Apple cũng cần phải cảnh giác với chủng Trojan này.
Chưa hết, mạng máy tính ma (botnet) mới được tạo ra bằng các chương trình độc hại không chỉ tấn công người dùng Windows mà còn tấn công các nền tảng khác có khả năng xuất hiện, cuối cùng là hình thức gian lận trực tuyến trên thiết bị di động. Đáng lo ngại là, tội phạm mạng có thể cải thiện phương pháp đánh cắp thông tin cá nhân và bí mật của người sử dụng.
Theo Ictnews.vn