Các diễn giả tham dự Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015
Sáng 16/12/2015, Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) do Báo điện tử VnExpress và Ngân hàng Nhà nước đồng tổ chức đã được khai mạc. Chủ đề chính của diễn đàn năm nay là "Kết nối và hợp tác" nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử, với hai nội dung thảo luận chính là "Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công và doanh nghiệp" và "Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới".
Phát biểu khai mạc diễn dàn, ông Thang Đức Thắng, Tổng biên tập Báo điện tử VnExpress cho rằng, trong các mối quan tâm của xã hội hiện nay thì chuỗi thanh toán là một trong các mối quan tâm lớn nhất. Bên cạnh đó là những băn khoăn, kỳ vọng làm sao để phát triển nhanh hơn về thanh toán điện tử, hiện mới chiếm hơn 50%. Trong bối cảnh đó thì sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành liên quan có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tại diễn đàn này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Chúng ta đã biết nhiều giao dịch giữa Chính phủ, doanh nghiệp với người dân mặc dù đã đề ra từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được. Vấn đề đặt ra là thanh toán điện tử có ích lợi không? Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn cho rằng, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng, tuy nhiên, thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi. Bên cạnh đó, chúng ta cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên để Việt Nam có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích cho thanh toán điện tử được nhiều người dùng hơn. Khuyến khích này không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen. Làm thế nào để thói quen đó diễn ra nhanh hơn. Thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi nó sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Đó còn là thước đo để thấy thế giới nhìn vào có đánh giá Việt Nam là quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ Công thương sẽ xây dựng cổng thanh toán quốc gia và tăng cường chất lượng thanh toán điện tử. Bộ Công thương sẽ đưa ra tiêu chí hệ thống thanh toán điện tử, đồng thời thúc đẩy thanh toán điện tử cả ở vùng nông thôn.
Ông Nguyễn Đại Chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Ngành Thuế triển khai thuế điện tử đã giúp nâng cao chất lượng công việc tạo điều kiện tốt cho người nộp thuế. "Tôi không thể tượng tượng nổi ngành thuế sẽ như thế nào nếu không có nộp thuế điện tử. Ngành thuế đã ký nộp thuế điện tử với 37 ngân hàng trong nước và 7 ngân hàng nước ngoài. Đến nay đã có 92% doanh nghiệp nộp thuế điện tử nhưng thực tế doanh nghiệp nộp lại chưa như mong muốn", ông Nguyễn Đại Chí nói.
Cũng tại diễn đàn này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho rằng Việt Nam đang có 2 cuộc cách mạng. Thứ nhất, Việt Nam đã tham dự vào các hiệp định và chơi với các đối tác hàng đầu thế giới cho dù chúng ta còn kém phát triển, nhưng so với các nước láng giềng 5 - 7 năm. Cuộc cánh mạng thứ 2 là online đang mạnh mẽ ở Việt Nam.
"CNTT phải là phương thức phát triển của kinh tế Việt Nam chứ không chỉ là một ngành kinh tế. Phải ứng dụng CNTT online vào trong quan hệ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Quy định vào TPP thì phải theo chuẩn 100% là giao dịch online, đây cũng là chuẩn của thế giới hiện đại. Nếu sử dụng thanh toán bằng tiền mặt thì không minh bạch và không có niềm tin với các đối tác. Đây là điều kiện hội nhập và để Việt Nam chơi với các đối tác toàn cầu. Online là sự minh bạch và chống tham nhũng", ông Vũ Tiến Lộc nói. Đồng thời, nhấn mạnh, thanh toán không dùng tiền mặt là sự minh bạch bậc nhất để chống tham nhũng. Trong khi đó việc dùng tiền mặt như là thứ văn hóa của người Việt. Vậy chúng ta phải đảo lại thứ văn hóa này. Đây cũng là biện pháp kinh tế xanh.
Theo Ictnews.vn