Tỷ lệ lây nhiễm phần mềm phân phối quảng cáo không an toàn ở Việt Nam cao hơn so với trung bình thế giới đến 60%, Giám đốc điều hành SBRO Việt Nam Võ Quang Vinh dẫn số liệu từ Hội nghị Quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu (AVAR) diễn ra hồi đầu tháng 12/2015 cho biết, đồng thời cảnh báo người dùng cẩn thận khi click vào các quảng cáo không rõ nguồn gốc. Ông Vinh nhấn mạnh các bậc cha mẹ nên đặc biệt lưu ý dạng quảng cáo độc hại này vì sự lây nhiễm thường xảy ra trong phân khúc người dùng trẻ nhất - trẻ em dưới 17 tuổi.
|
Một ví dụ về quảng cáo độc hại (banner quảng cáo màu đỏ) - Ảnh: threatpost.
|
Tội phạm công nghệ cao có thể lợi dụng các quảng cáo không an toàn mà người dùng click vào để cài đặt phần mềm độc hại, hoặc dẫn đến các trang web giả mạo nhằm ăn cắp thông tin cá nhân của người dùng hoặc tài khoản ngân hàng của họ, CEO tại Việt Nam của SBRO – công ty cung cấp giải pháp bảo mật trực tuyến hoạt động ở khu vực Đông Nam Á – cho hay.
Có những điểm rút ra sau hội nghị hôm 2-4/12/2015 tại Đà Nẵng mà ông Vinh cho rằng người dùng máy tính tại Việt Nam cần lưu ý.
Đầu tiên là các phần mềm độc hại Search Protectors. Chúng sẽ thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định cài đặt trên trình duyệt (ví dụ như Google, Bing hay Yahoo) bằng một số trang tìm kiếm chất lượng thấp hơn. Những phần mềm độc hại này làm thay đổi trang chủ hoặc tab mới của trình duyệt mà không cho người dùng tùy chọn tắt chúng đi.
Ngoài Search Protectors, các phần mềm độc hại điển hình khác ảnh hưởng đến thị trường châu Á nổi bật tại AVAR bao gồm: Adware, Cracks / Keygens, Ransomware và Spyware. Những loại phần mềm độc hại này được tội phạm mạng sử dụng để nhằm phân phát thông tin lừa đảo, đánh cắp thông tin ngân hàng và thông tin cá nhân, cũng như sử dụng máy tính người dùng để phát tán thư rác.
Cụ thể, Adware (phần mềm quảng cáo) sẽ phát thông tin quảng cáo lừa đảo, quảng cáo bất hợp pháp và người dùng không thể tắt đi. Crack/Keygen là nhưng phần mềm được sử dụng để bẻ khóa hoặc tạo số Serial để người dùng có thể sử dụng được các phần mềm hợp pháp. Keygen được nhúng với Trojan, virus hoặc phần mềm độc hại.
Ransomware là phần mềm mã hóa dữ liệu để máy tính không thể mở và sử dụng được dữ liệu nữa. Người dùng sẽ bị yêu cầu trả tiền khi muốn nhận lại quyền truy cập vào các dữ liệu bị nhiễm độc. Spyware là phần mềm thu thập thông tin cá nhân, mật khẩu và lịch sử duyệt web mà không có sự đồng ý của người dùng.
Ông Võ Quang Vinh cho biết, SBRO bắt đầu chia sẻ những thống kê có liên quan tới thị trường trong khu vực với Microsoft và những chuyên gia chống mã độc tại Châu Á, đồng thời đang phát triển các công cụ báo cáo độc quyền từ đó sẽ giúp phát hiện các mối đe dọa một cách thuận tiện nhất.
Theo Ictnews.vn