|
Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ảnh: Internet.
|
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến cuối năm 2015 hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN - một cộng đồng kinh tế tự do có 625 triệu dân, GDP 2,5 nghìn tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng cao đến năm 2030, dự kiến đạt 10 nghìn tỷ USD.
Trong năm 2015, Việt Nam đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đã kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký Hiệp định FTA với Liên minh Châu Âu (EU).
Việc tham gia và thực hiện các Hiệp định FTA đang mở ra quan hệ thương mại tự do của Việt Nam với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20.
Việt Nam đang có những thời cơ thuận lợi để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược cho các Tập đoàn đa quốc gia cũng như rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong bối cảnh đó, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá năm 2015 là năm bản lề mở ra cơ hội mới cho phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Nhu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ rất lớn và dự báo gia tăng do làn sóng FDI mới có chất lượng cao hơn từ các nước OECD, nhất là từ Mỹ khi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP có hiệu lực thi hành.
Các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, LG, Intel, Canon, Microsoft… rất cần doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu trong hệ thống nhà cung cấp cấp I, cấp II và cấp III với điều kiện đáp ứng các tiêu chí đưa ra.
Hiện nay phần lớn các nhà cung cấp vệ tinh thuộc doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, kinh nghiệm của thế giới cũng như ở nước ta đã chỉ ra rằng, việc phát triển mạng lưới công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp bản địa có lợi hơn nhiều cho các tập đoàn vì có thể tiết kiệm chi phí nhất là đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu phải chịu thêm chi phí vận chuyển và thời gian, bảo đảm nguyên tắc xuất xứ sản phẩm, một trong những nguyên tắc được quy định trong nhiều hiệp định quốc tế, nhất là TPP.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, tình hình chung về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện nay đang gặp phải nhiều hạn chế cần được khắc phục. Sự hạn chế về năng lực của công nghiệp hỗ trợ khiến tỉ lệ sử dụng các linh kiện trong nước của doanh nghiệp FDI, các nhà lắp ráp thấp hơn rất nhiều so với mức tối ưu mà các doanh nghiệp mong muốn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước chưa đóng góp nhiều trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn.
Lấy ví dụ với Samsung Việt Nam, phía Tập đoàn này cho biết trong số 80 doanh nghiệp vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho Samsung chỉ dưới 10%, đặc biệt lại chủ yếu cung ứng in ấn và bao bì, phần hưởng giá trị gia tăng thấp nhất. Tức là chưa tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế.
Theo Ictnews.vn