|
Khi người dân chưa biết sử dụng máy tính đến cơ quan chính quyền, cần có cán bộ CNTT hướng dẫn cho họ sử dụng dịch vụ công.
|
Khi triển khai Chính phủ điện tử, bên cạnh việc nhà nước phải đầu tư hạ tầng và hệ thống CNTT để triển khai cung cấp dịch vụ công tới người dân và doanh nghiệp, thì việc người dân có đủ năng lực và phương tiện để truy cập vào mạng Internet sử dụng dịch vụ công hay chưa cũng là một vấn đề cần bàn đến.
Về mặt lý thuyết để tiến tới một Chính phủ điện tử, trước hết phải có công dân điện tử. Vì vậy, phải tìm hiểu xem người dân đặc biệt là ở các xã, phường, vùng sâu, vùng xa có biết dùng máy tính chưa, có được nối mạng Internet chưa, khi họ đủ phương tiện này rồi và có nhu cầu được cung cấp dịch vụ công điện tử thì hãy cung cấp Chính phủ điện tử cho dân. Có cầu rồi mới có cung, giải quyết được các vấn đề này thì mới tính tới một nền hành chính điện tử, Chính phủ điện tử được.
Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, nhà nước cần cân đối một nguồn kinh phí để đào tạo cho người dân sử dụng máy tính và Internet. Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, ít nhất mỗi xã, phường phải đào tạo cho được một cán bộ biết sử dụng thành thạo máy tính và Internet, những người này sẽ tuyên truyền, hướng dẫn lại cho người dân sử dụng máy tính và Internet.
Theo ông Quang, ở thành phố, thị xã người dân có thể tiếp cận nhanh với máy tính và Internet, tới cấp huyện đã khó khăn, cấp xã lại càng khó hơn nữa. Người dân, nhất là dân nghèo không có điều kiện để sử dụng máy tính, chưa thể nói việc họ biết truy cập Internet. Do đó, khi người dân đến cơ quan chính quyền để sử dụng dịch vụ công, cần có cán bộ xã hướng dẫn cho họ.
Tình trạng luân chuyển cán bộ thường xuyên cũng ảnh hưởng tới việc triển khai cung cấp dịch vụ CNTT về địa phương. Ông Quang cho biết, cứ sau mỗi kỳ đại hội, Sở TT&TT lại phải tổ chức đào tạo lại cho các cán bộ xã về ứng dụng phần mềm đã triển khai bởi các cán bộ đã được đào tạo lại được luân chuyển đi vị mới. Vì thế, cần giữ ổn định đội ngũ chủ đạo về CNTT ở địa phương.
Thực hiện nền hành chính một cửa điện tử, liên thông điện tử từ cấp xã, phường – huyện – tỉnh – Trung ương được xem là một xu thế tất yếu. để việc thực hiện một cửa điện tử mang lại hiệu quả còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Trước mắt, rất cần thiết có một văn bản của Chính phủ quy định thực hiện một cửa điện tử như thế nào là đúng, cần phải xây dựng một chuẩn chung cho một cửa điện tử để thực hiện đồng bộ. Hiện nay mỗi địa phương đang áp dụng một kiểu bởi Chính phủ vẫn chưa ban hành được chuẩn chung này.
Đồng thời, phải quy định rõ hệ thống thủ tục cho hành chính một cửa là thế nào, nếu thực hiện một cửa điện tử mà vẫn áp dụng thủ tục hành chính như cũ thì khó thực hiện mà không mang lại hiệu quả bao nhiêu. Hiện nay, các địa phương đang nỗ lực để ứng dụng dịch vụ công ở mức 3-4, tuy nhiên việc ứng dụng CNTT trong cung cấp các dịch vụ công trước hết phải triển khai ngay ở trong nội bộ các cơ quan. Phải có một hệ thống tiếp nhận văn bản, chuyển nhận văn bản trong nội bộ các phòng ban cũng phải bằng điện tử.
Bởi theo ông Quang, thực tế tại nhiều sở, ngành hiện nay, một cửa chỉ ở khâu tiếp nhận và trả hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp, còn lại việc chuyển hồ sơ giữa phòng này với phòng kia trong nội bộ cơ quan vẫn thực hiện thủ công.
“Cần phải giải quyết hệ thống điện tử ngay trong nội bộ các cơ quan nhà nước trước, rồi sau đó mới triển khai cung cấp dịch vụ công cho người dân. Việc cung cấp dịch vụ nào cũng phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, chứ không phải tất cả các dịch vụ công đều đưa ra cho dân hết”, ông Quang nói.
Theo Ictnews.vn