Theo đó, tác động của Luật An toàn thông tin (ATTT) đối với doanh nghiệp kinh doanh trong môi trường Internet nói chung và lĩnh vực ATTT nói riêng là một trong những vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm tại buổi họp báo.
Ông Vũ Quốc Thành, Tổng thư ký Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) cho rằng: “Việc xác định cá nhân, tổ chức nào đủ khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ ATTT làm nảy sinh nhu cầu bức thiết phải có một bộ luật làm cơ sở pháp lý”. Theo ông, đôi khi, có những hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT vô tình tác động xấu đến cộng đồng và xã hội nhưng lại không thể điều chỉnh vì chưa có luật. Luật ATTT ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý để xử lý các vấn đề phát sinh và giúp hoạt động kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp được thuận lợi hơn.
Bà Trần Kim Phượng, Tổng biên tập Tạp chí ATTT của Ban Cơ yếu Chính phủ khẳng định: “Luật An toàn thông tin được ban hành sẽ tạo cơ sở cho việc định hướng và quản lý các doanh nghiệp trong lĩnh vực ATTT nói chung và mã dân sự nói riêng”. Luật ATTT cần có những điều khoản quy định về dịch vụ và sản phẩm ATTT được phép kinh doanh cũng như khả năng sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp. Nhờ đó, việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm ATTT sẽ được đảm bảo. Lấy ví dụ về việc kinh doanh mật mã dân sự, bà Trần Kim Phượng cho rằng: “Các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh sản phẩm về mật mã dân sự phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về con người, cơ sở vật chất. Hàng năm, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm mật mã dân sự sẽ phải có báo cáo về tình trạng của khách hàng”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT hy vọng rằng các cơ quan nhà nước sẽ cố gắng giảm tối đa những phiền hà liên quan đến thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia thị trường sản phẩm dịch vụ ATTT.
|
Theo bà Trần Kim Thuận, luật ATTT được ban hành sẽ tạo cơ sở cho việc định hướng và quản lý các doanh nghiệp trong lĩnh vực ATTT nói chung và mã dân sự nói riêng
|
Cũng theo ông Nguyễn Huy Dũng, hiện nay, "thông tin đã trở thành một loại tài sản có ý nghĩa to lớn đối với mỗi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp". Tài sản thông tin khi bị đánh cắp, bị phá hoại không chỉ ảnh hướng đến một cá nhân, một tổ chức riêng biệt mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Tổ chức, cá nhân sở hữu tài sản thông tin phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo và tuân thủ yêu cầu về ATTT.
Sự kiện "Ngày ATTT Việt Nam 2015" diễn ra trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều cuộc tấn công có chủ đích có tính triệt hạ nhằm vào các công ty lớn trên thế giới. Trong đó, có các công ty của Mỹ như hãng Sony Pictures, mạng lưới bán hàng Home Depot và Target, hãng bảo hiểm Anthem... Vì thế, Hội thảo quốc tế - Hoạt động trung tâm của sự kiện "Ngày ATTT Việt Nam 2015" được tổ chức vào ngày 19/11/2015 tại TP Hồ Chí Minh và ngày 1/12/2015 ở Hà Nội với chủ đề "Xu hướng phá hoại tàn khốc của tấn công mạng hiện đại".
Theo Ictnews.vn