Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn/, gồm 6 chương, 59 điều, được Bộ TT&TT xây dựng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và để các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra.
|
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) được đăng tải công khai trên website http://duthaoonline.quochoi.vn. |
Cụ thể, để đảm bảo thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; quyền tiếp cận thông tin của báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin cho báo chí; các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí để bảo đảm “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng; sức khỏe hoặc đạo đức xã hội”.
Phiên họp đầu tiên của Ban Soạn thảo, và Tổ biên tập Luật Báo chí sửa đổi đã tổ chức phiên họp đầu tiên tại Bộ TT&TT ngày 21/5/2014.
Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Trưởng Ban soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cho biết: "Chúng ta sửa đổi Luật Báo chí trong bối cảnh nước nhà đứng trước những thách thức rất lớn về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, nhất là việc bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo.
Đây là dự luật khó nên yêu cầu các thành viên của Ban soạn thảo và Tổ biên tập đảm bảo nguyên tắc bám sát quan điểm, tư tưởng của Đảng và Nhà nước, thể chế hóa các quan điểm, tư tưởng của Đảng và Nhà nước vào trong dự thảo luật.
Cụ thể là tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong các văn bản quy định liên quan đến công tác quản lý nhà nước về báo chí; các quy định, quyết định, thông báo của Ban Bí thư; các văn bản của Nhà nước, đặc biệt quán triệt Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam".
Luật Báo chí hiện hành được xây dựng từ năm 1989, công bố ngày 31/12/1989. Sau đó sửa đổi bổ sung, công bố ngày 12/6/1999.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 có nhiều điểm khá tiến bộ như bảo hộ quyền tác nghiệp của nhà báo, quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí của các tổ chức và cá nhân....
Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay Luật Báo chí hiện hành cũng đã bộc lộ một số điểm chưa cập thời nên cần phải sửa đổi. Trong thực tiễn hoạt động báo chí đã có nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài các quy định của pháp luật như: cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, vấn đề kinh tế báo chí, tên gọi và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí... Hơn nữa, các quy phạm về báo chí được quy định trong nhiều văn bản, phân tán, chồng chéo cần được pháp điển hóa đưa vào luật để nâng cao tính pháp lý và thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.
Sau một quá trình nghiên cứu, xây dựng và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan báo chí..., Bộ TT&TT đã nhiều lần chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) với 6 chương với 59 điều.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Luật Báo chí (sửa đổi) là một dự án Luật rất quan trọng, rất khó và phức tạp, đã trải qua đến 18 lần dự thảo kể từ năm 2007 đến nay. Bao trùm lên dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này là quyền tự do báo chí được thể hiện rất rõ. Nếu trước đây chỉ nói đến tự do báo chí đối với nhà báo, cơ quan báo chí và tự do ngôn luận của công dân trên báo chí thì trong lần dự thảo này đã nói rõ và sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến các đại biểu để làm rõ phạm trù nội hàm “công dân”.
Ngày 14/9/2015, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã được báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao với quan điểm một số trang thông tin điện tử không phải là báo chí vì thế không đưa vào dự luật.
Mặt khác, để phù hợp với chủ trương quy hoạch hoạt động báo chí, mô hình báo chí được ủng hộ với mục tiêu do một cơ quan có nhiều loại hình báo chí, nhiều ấn phẩm, vì vậy, sẽ có Tổng giám đốc phụ trách chung, còn sau đó là Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập phụ trách riêng từng ấn phẩm hoặc nhóm ấn phẩm, loại hình hoặc một nhóm loại hình báo chí.
Các đại biểu cũng đề cập tới hình thức báo chí điện tử hiện phát triển rất mạnh và cho rằng cần có sự quan tâm đúng mức với loại hình báo chí này khi có tính tương tác cao và là kênh hữu hiệu để người dân thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Một số nội dung quy định: Các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; Phóng viên thường trú phải có thẻ nhà báo; Trách nhiệm cung cấp thông tin, trả lời trên báo chí... là những nội dung quan trọng, có nhiều ý kiến cần cho thêm quy định cụ thể trong Luật sửa đổi lần này.
|
Tại phiên họp thứ 9 tổ chức ở Đà Nẵng ngày 30/9, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội đã nhất trí thông qua báo cáo thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi) để trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 cho ý kiến (Ảnh: HC) |
Sáng 30/9, tại phiên họp thứ 9 tổ chức ở Đà Nẵng, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội đã nhất trí thông qua báo cáo thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi) để trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13.
Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Báo chí sau 16 năm thi hành, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.
Theo Infonet.vn