Chiều ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Minh Hồng đã dự cuộc họp, báo cáo về hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (CNBCVT) tại Hà Nội, tham dự có Giám đốc Học viện, ông Võ Văn San, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, ông Ngô Hùng Tín và Ban lãnh đạo Học viện cùng các viện thành viên.
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Học viện, ông Đặng Hoài Bắc đã báo cáo Thứ trưởng về các hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện, theo đó số lượng cán bộ tham gia hoạt động khoa học công nghệ là 250 giảng viên và 230 nghiên cứu viên trên tổng số 800 cán bộ. Đây là năm đầu tiên, Học viện chuyển đổi từ đơn vị trực thuộc tập đoàn VNPT sang trực thuộc Bộ TT&TT.
Tính đến 9/2015, Học viện có 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 25 đề tài cấp Bộ, 167 đề tài cấp học viện, giảm về số lượng đề tài so với các năm trong 5 năm gần đây. Năm 2014, Học viện có 42 hợp đồng với tổng doanh thu là 42 tỷ đồng, chủ yếu là các hợp đồng với VNPT. Tuy nhiên, tính đến tháng 9/2015, Học viện chỉ có 11 hợp đồng với tổng doanh thu là 3 tỷ đồng. Trong các hoạt động nghiên cứu, đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ của Học viện đều giảm so với năm 2014 và những năm gần đây, đặc biệt là không có đề tài nào hợp tác với các tập đoàn (trong khi năm 2014 học viện có 9 đề tài, mang lại nguồn doanh thu không nhỏ).
Giám đốc Học viện Võ Văn San cho hay, khó khăn lớn nhất của Học viện là thiếu hụt các nguồn nhân lực, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành. Do đó, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện chưa giữ được vị trí đầu đàn và chưa đáp ứng được nhu cầu, cũng như tiềm năng của Học viện.
|
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, Bộ TT&TT sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để Học viện CNBCVT nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học và tự chủ.
|
Hiện tại, đối với cán bộ giảng viên, Học viện CNBCVT phân loại A đối với những giảng viên có khả năng nghiên cứu, có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh và loại B đối với những giảng viên không đáp ứng được tiêu chí này. Tuy nhiên, các giảng viên có khả năng nghiên cứu vẫn đang phải tham gia quá nhiều vào công tác giảng dạy, trong khi mức đãi ngộ dành cho họ chưa được tương xứng, chưa tạo điều kiện tối đa cho họ tham gia vào công tác khoa học.
Học viện đề xuất với Bộ cho phép bổ sung, hoàn thiện các chức năng hợp chuẩn đo kiểm quốc gia về Điện tử - Viễn thông; Giao cho Học viện chức năng kiểm định, hợp chuẩn về ATT; Giao Viện Khoa học Kỹ thuật chức năng tiêu chuẩn hoá, nghiên cứu các vấn đề R&D (nghiên cứu và phát triển) về KHCN cho Bộ; hỗ trợ giao Học viện các đề tài R&D và đề tài ứng dụng; tạo điều kiện cho Học viện được tham gia các hội thảo, hội nghị KHCN và tham gia nhóm nghiên cứu chuyên sâu của Bộ.
Đối với lãnh đạo VNPT, Học viện đề nghị VNPT ưu tiên các giải pháp KHCN của Học viện ứng dụng trong VNPT; tài trợ các phòng lab dùng chung về IP, di động băng rộng, Multimedia... thiết lập các nhóm nghiên cứu chung về một số lĩnh vực cùng quan tâm như tối ưu mạng, giao thông thông minh, IoT, E-Heltth và giao cho Học viện các đề tài R&D, các đề tài ứng dụng của VNPT, cũng như hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Ông Đỗ Trọng Đại, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện (1 trong 3 viện thành viên thuộc Học viện) cho hay, Viện đang có những hợp tác làm nghiên cứu khoa học, một năm có hàng chục tỉ đồng nhưng đây được coi là “mức đáy”, Viện và Học viện muốn làm nhiều hơn, có đội ngũ hùng hậu hơn và có cơ chế hợp tác về các đội nghiên cứu, ông Đại nói: “Học viện xin cần câu, không xin cá” để nêu ý kiến về việc này.
Trao đổi với Học viện, Phó Tổng Giám đốc VNPT Ngô Hùng Tín cho biết, VNPT chuẩn bị thành lập Ban công nghệ mạng, cũng như có những dự án về nghiên cứu sản phẩm đem lại hiệu quả kinh doanh trên thị trường và đề ngỏ về việc hợp tác với Học viện trong những dự án mang lại hiệu quả kinh tế này trong tương lai. Đại diện VNPT chia sẻ, tập đoàn này cũng có những hợp tác với các trường khác như Đại học Công nghệ, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao những cố gắng của Học viện về công tác nghiên cứu khoa học trong bối cảnh hiện nay, mặc dù kết quả còn khiêm tốn. Học viện cần quy hoach nhân lực theo hướng chuyên môn hoá và xem xét lại những vấn đề có thể chủ động. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Học viện cần đi theo 3 định hướng là nghiên cứu, ứng dụng và thực hành để phù hợp với các yêu cầu xã hội. Hiện Học viện có 3 viện nghiên cứu có đầy đủ tư cách pháp nhân, cần gắn quyền lợi với trách nhiệm của các đơn vị, trên cơ sở bám sát các quy định.
Theo Thứ trưởng, Học viện không chỉ đăng những bài báo đẹp lên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước mà cần có những nghiên cứu có khả năng ứng dụng, bám sát các nhu cầu doanh nghiệp để có khả năng hợp tác, nhận đặt hàng theo nhu cầu doanh ngiệp, Học viện có thể xây dựng những cơ chế mới phù hợp hơn và Bộ sẽ trình Chính phủ phê duyệt.
Theo Ictnews.vn