|
Đội ngũ chuyên trách an ninh mạng của các bộ ngành, địa phương tại ACID 2015. Ảnh: N.Đ.
|
Trao đổi tại sự kiện diễn tập quốc tế “Điều tra, phân tích và ứng cứu sự cố mã độc gián điệp” ACID 2015 diễn ra tại Hà Nội ngày 28/10, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá: Hiện nay các cuộc tấn công trên môi trường mạng Internet ngày càng tinh vi, quy mô lớn, có sự liên kết ngày càng cao, tuy nhiên vấn đề nhận thức về an toàn thông tin tại các bộ ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Trước thực tế trên, trong thời gian qua Bộ TT&TT đã có nhiều nỗ lực trong việc liên kết cùng các bộ ngành liên quan nhằm tăng cường năng lực về an toàn thông tin mạng.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thành lập các CERT (lực lượng an ninh mạng) vệ tinh, để thắt chặt liên kết giữa Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính VNCERT quốc gia với các CERT của bộ ngành, địa phương. Nếu có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị, đây sẽ là giải pháp rất hiệu quả để đảm bảo an toàn an ninh trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, một vấn đề trọng tâm là củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin của các bộ ngành, địa phương liên quan, đặc biệt chú trọng nâng cao đào tạo nguồn nhân lực thông qua Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (Đề án 99).
Đề án 99 đã đưa ra nhiều nội dung quan trọng trong đào tạo nhân lực an ninh thông tin chuyên nghiệp, phổ cập về an toàn thông tin cho bộ ngành, địa phương, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao… đủ về số lượng, trình độ, qua đó đáp ứng được các yêu cầu về đảm bảo an toàn thông tin trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới.
“Đây chỉ là đề án khởi đầu, thời gian tới Chính phủ cần phải đẩy mạnh các kế hoạch đào tạo nhân lực hơn nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.
Cùng với các biện pháp nói trên, Bộ TT&TT cũng liên tục xúc tiến các hoạt động khác nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực an ninh thông tin.
Trong bối cảnh mối đe dọa về an toàn thông tin phần lớn có quy mô toàn thế giới, hacker có sự liên kết ngày càng cao, việc tổ chức sự kiện diễn tập điều tra, phân tích và ứng cứu sự cố mã độc gián điệp như ACID 2015 cùng với 13 quốc gia khác là Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Myanma là một trong những hoạt động thiết thực để góp phần giải quyết thách thức này.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng đề nghị trong thời gian tiếp theo, các tổ chức dân sự cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… về an ninh, an toàn thông tin mạng; giữa các bộ ngành cũng có biên bản hợp tác để tăng cường đảm bảo an toàn thông tin; giới truyền thông cần tham gia tích cực hơn nữa vào việc tuyên truyền nhận thức về an toàn an ninh thông tin…
Theo Ictnews.vn