|
Hội thảo Internet, thương mại điện tử (TMĐT) và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”. Ảnh: Thùy Linh
|
Bản báo cáo kết quả nghiên cứu “Internet, thương mại điện tử (TMĐT) và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” đã chính thức được công bố trong khuôn khổ hội thảo “Thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vừa được tổ chức sáng nay, 29/10.
Là một dự án được Google khu vực châu Á – Thái Bình Dương hỗ trợ, nghiên cứu này nhằm mục đích nâng cao hơn nữa hiểu biết về thực trạng TMĐT, Internet và ảnh hưởng đến hạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là bản báo cáo có ý nghĩa trong bối cảnh hợp tác quốc tế xuyên biên giới thông qua các phương thức kết nối mạng trở nên phổ biến với quy mô lớn, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn trong khi vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang ngày càng lớn trong nền kinh tế Việt Nam.
Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Vecita), Bộ Công thương, với khoảng 39% dân số sử dụng Internet, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng của ngành TMĐT và cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Theo số liệu báo cáo, ngành TMĐT tại Việt Nam vẫn đang trên tăng trưởng. Năm 2013, tổng doanh thu từ TMĐT đạt con số 2,2 tỷ USD. Dự báo, trong năm 2015, tổng doanh thu từ lĩnh vực này có thể đạt đến con số hơn 4 tỷ USD.
Nghiên cứu đánh giá này cũng cho thấy, Internet và CNTT là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế, Internet mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi giảm đáng kể chi phí giao dịch và tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp này.
Lợi ích của Internet cho các doanh nghiệp bao gồm mở rộng phạm vi quảng bá, sâu rộng hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, Internet là phương thức có hiệu quả để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường quốc tế, thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa bằng cách giảm thiểu các khâu trung gian khi kết nối doanh nghiệp với mạng lưới sản xuất toàn cầu và tạo ra mạng lưới quan hệ cho phép các doanh nghiệp tương tác rộng rãi và mật thiết hơn với khách hàng, nhà cung cấp và đối tác.
Tuy vậy, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trong lĩnh vực TMĐT vẫn còn đang gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là các chính sách về thuế. Vì vậy, báo cáo cũng đưa ra kiến nghị về việc Chính phủ nên tạo một môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho thị trường số phát triển, cả trong việc cung cấp các dịch vụ Internet và đảm bảo các giao dịch TMĐT an toàn.
Ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, không quá bất ngờ với kết quả nghiên cứu này bởi trên thực tế, internet và CNTT có vai trò lớn đối với doanh nghiệp. Đặc biệt khi một bộ phận lớn của nền kinh tế Vệt Nam liên quan đến xuất khẩu. Vì vậy, những doanh nghiệp chủ chốt nhất trong nền kinh tế cũng nên tận dụng lợi thế của Internet để phát triển doanh nghiệp, đồng thời hiện đại hóa nền kinh tế của đất nước.
Chia sẻ về kết quả của nghiên cứu, ông Alex Long, Giám đốc đối ngoại công ty Google khu vực châu Á – Thái Bình Dương một lần nữa khẳng định: Internet có thể đóng góp một giá trị lớn vào nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, 75% trong đó là những ngành truyền thống và không phải CNTT. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao việc sử dụng internet để tiết kiệm chi phí, vươn tới những thị trường mới và nâng cao năng suất lao động.
Về phía mình, Google mong rằng có thể hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và với hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam khác để đảm bảo rằng Việt Nam có thể tận dụng được tối đa lợi ích kinh tế từ Internet.
Theo Ictnews.vn