Chiều ngày 22/10, Hội tin học Việt Nam công bố sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế về Công nghệ Thông tin tại Hà Nội vào ngày 3/12 tới.
Trong buổi công bố này, Hội tin học cũng đã mời một số nhân vật đặc biệt như Giáo sư Vũ Minh Khương của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), các giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, để đưa ra một số đánh giá về mức độ sẵn sàng cho việc xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam, trong đó có những đô thị lớn đã được khảo sát bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Thành phố thông minh là những thành phố ứng dụng các công nghệ hiện đại vào việc quản lý, vận hành, nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian, nâng cao hiệu quả và đem lại lợi ích tối đa cho xã hội.
|
Bà Phan Lan Tú (áo đen) cho biết Hà Nội có nhiều đặc thù cần giải quyết trong việc xây dựng thành phố thông minh
|
Tại buổi gặp, ông Vũ Minh Khương đã trình bày kinh nghiệm của mình, trong việc khảo sát các mô hình thành phố thông minh trên thế giới, đặc biệt là tại Singapore, quốc gia mà ông đã học tập, làm việc, đồng thời liên hệ với Việt Nam. Ông Khương cho rằng, Việt Nam sẵn sàng và có những cơ hội để xây dựng mô hình thành phố thông minh, đem lại nhiều tiện ích cho cả Chính phủ, người dân và những doanh nghiệp.
Đồng tình với ông Khương, Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam Nguyễn Long chia sẻ, mới đây, Chính phủ đã ra nghị quyết 36a, nhấn mạnh về việc xây dựng một Chính phủ điện tử, Hội Tin học Việt Nam đã khảo sát, đánh giá Việt Nam sẵn sàng cho việc xây dựng Chính phủ Điện tử, tuy nhiên việc chúng ta sẽ đi được xa đến đâu, vẫn còn phải chờ một câu trả lời trong tương lai.
Hội tin học Việt Nam cũng đã xây dựng chỉ số ICT Index, để đánh giá mức độ sẵn sàng cho cho việc phát triển ứng dụng CNTT-TT Việt Nam, chỉ số này cho phép xếp hạng chung, hoặc xếp hạng cụ thể từng chỉ số về hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng, sản xuất và kinh doanh, môi trường chính sách, và nguồn nhân lực của từng bộ/ngành, tỉnh/thành và các doanh nghiệp ứng dụng CNTT-TT; xếp hạng các tỉnh/thành theo từng khu vực và vùng kinh tế.
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, Giám đốc Sở TTTT Hà Nội Phan Lan Tú nêu vấn đề rằng, Hà Nội hơi đặc biệt vì: “Chúng tôi có dân số tới 7.2 triệu, nếu tính dân số không thường xuyên là 10 triệu người, 584 xã phường, 30 đơn vị quận huyện, 42 dân tộc, có cả miền núi và trung du và đồng bằng, phạm vi áp dụng tôi thấy khó”.
Đáp lời bà Phan Lan Tú, ông Khương tư vấn, Hà Nội có thể chia nhỏ các địa phương để thử nghiệm áp dụng mô hình thành phố thông minh, những kết quả thu được sẽ được sử dụng để phân tích, rút ra những mô hình thích hợp nhất cho Hà Nội. Một số địa phương khác như Đà Nẵng hay Hải Phòng cũng có thể tham khảo phương án này.
Theo ông Vũ Minh Khương, việc xây dựng thành phố thông minh cần gắn với việc ứng dụng công nghệ và cái cách thể chế cho phù hợp, cải cách thể chế có nghĩa là sắp xếp lại cơ chế hoạt động phù hợp với Chính phủ điện tử, với người dân, với doanh nghiệp và cần đảm bảo sự minh bạch.
|
Giám đốc Sở TTTT Đà Nẵng nói Đà Nẵng sẽ tích cực ứng dụng công nghệ vào công tác phát triển thành phố
|
Một trong những mô hình thành phố thông minh đang xây dựng và nhận được khen gợi đó là Đà Nẵng, Giám đốc Sở TTTT thành phố Đà Nẵng Phạm Kim Sơn cho biết, hiện Đà Nẵng cũng đang bắt đầu những dự án thử nghiệm xây dựng thành phố thông minh, nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn như Intel, Microsoft và các hãng công nghệ lớn đến từ nhiều nước.
Bên lề cuộc họp, phóng viên đặt câu hỏi với ông Phạm Kim Sơn rằng: “Đà Nẵng gần đây luôn là thành phố nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, mới đây Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện những lãnh đạo rất trẻ, liệu ông có cho rằng đấy là thuận lợi và ông có tin vào những người trẻ?”
Ông Kim Sơn trả lời rằng, lãnh đạo trẻ, người trẻ là thuận lợi cho Đà Nẵng và ông cho biết thành phố sẽ tham gia tích cực vào việc xây dựng thành phố thông minh, đồng thời tin tưởng vào những kết quả sẽ đạt được từ nỗ lực chung của chính quyền và nhân dân thành phố này.
Theo Ictnews.vn