|
Ảnh minh họa |
Sự cố bảng chứng khoán trực tuyến của Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) báo chỉ số VN-Index sai và dừng nhận lệnh đối với giao dịch tại TTGDCK HN sáng 7/3/2007 một lần nữa lại làm hàng ngàn nhà đầu tư hoang mang.
Kết thúc đợt giao dịch đợt 1 phiên giao dịch ngày 7/3, bảng chứng khoán điện tử trực tuyến của VCBS báo chỉ số VN-Index của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM giảm 25,59% xuống còn 1.133,32 điểm với tổng giá trị giao dịch lên tới 1.110,3 tỷ đồng.
Đợt 2, 3 VN-Index giảm 1,08 điểm . Nhưng theo bảng của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM thì chỉ số VN-Index tăng 5,99 điểm lên mức 1139,3 điểm và giá trị giao dịch chỉ là 262 tỷ đồng. Chỉ số này kết thúc đợt 2 tăng 2,11 điểm và kết thúc đợt 3 giảm 1,08 điểm.
Đây không phải là lần đầu, bảng giá trực tuyến của VCBS “nhảy múa” sai lệch. Ngày 9/8/2005, bảng của Cty này cũng báo kết quả sai lệnh, còn những sai sót nhỏ về giá, khối lượng của một vài cổ phiếu thì các nhà đầu tư đã nhiều lần phát hiện.
Vừa qua, nhiều khách hàng của VCBS sử dụng internet để giao dịch để đặt lệnh mua, bán rất nhiều phiên không thể được và thường xuyên gặp thông báo “Hệ thống của VCBS đã quá tải, không giao dịch được với TTGDCK Hà Nội và TPHCM”.
Gần đây, để hạn chế quá tải, VCBS chỉ cho phép giá trị giao dịch trên 20 triệu/ lần mới được đặt lệnh qua Internet nhưng sự cố vẫn xảy ra.
Nhà đầu tư Phạm Văn Thanh than phiền: “Từ tối 6/3 tôi đặt lệnh qua Internet mãi vẫn không thể nào được cho phiên sáng 7/3/2007, ở văn phòng xem bảng của VCBS nhờ bạn đặt hộ nhưng lại báo kết quả sai”.
Không riêng gì VCBS mà hàng loạt Cty chứng khoán khác, giao dịch qua Internet hầu như không thực hiện được vào giờ cao điểm (7 giờ 30 đến 10 giờ 20).
Còn nhiều bảng giá chứng khoán trực tuyến khác của Cty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, SSI, Cty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển và kể cả TTGDCK TPHCM thì 5 lần 7 lượt may ra mới vào được.
Đến 15, 16 giờ truy cập vào nhiều bảng giao dịch trực tuyến trên vẫn còn khá khó khăn. SSI đã cung cấp username, password cho nhiều nhà đầu tư của họ và hẹn sau Tết sẽ có giao dịch trực tuyến nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Cty chứng khoán Thái Bình Dương quảng cáo hệ thống giao dịch trực tuyến khá hiện đại nhưng nhiều khách hàng lại than không dễ như họ tưởng.
Phó Tổng giám đốc SSI Nguyễn Hồng Nam cho rằng: “Chúng tôi phải tập trung nâng cấp hệ thống hiện tại và cài đặt hệ thống giao dịch trực tuyến kỹ càng hơn do lượng khách tăng quá nhanh nên chưa thể đưa vào giao dịch như dự kiến”.
Phó giám đốc một Cty chứng khoán khác thì nại rằng “các nhà đầu tư vẫn thích đến sàn và giao dịch trực tuyến hơn nên Cty tôi chưa đầu tư mạnh vài giao dịch trực tuyến vì chưa cần thiết”.
Tuy nhiên ông Bùi Huy Tùng, một chuyên viên về giao dịch trực tuyến cho biết “nhiều Cty chưa đủ nhân lực, trình độ và trang thiết bị nên sợ sai sót, nhầm lẫn và nhất là hacker”.
Còn theo thống kê của SSI thì lượng khách truy cập trang web của Cty này vào giờ giao dịch tăng gấp 7-10 lần so với bình thường nên thường xuyên nghẽn. Việc đặt lệnh qua Internet xong nhưng vẫn bị rớt, hủy từ 1/3 đến nay không còn là chuyện lạ trên các trang web trực tuyến nữa.
Hiện nay do các sàn quá tải nên ngày càng nhiều người giao dịch trực tuyến, số lượng tăng mạnh nên chỉ cần một sai số nhỏ cũng ảnh hưởng lớn đến quyết định mua bán.
Ông Bùi Nguyên Hoàn, Vụ trưởng đại diện UBCKNN tại TP HCM thừa nhận: “Chúng tôi chưa để ý lắm đến hiện tựong này, sắp tới sẽ có biện pháp hạn chế và kiểm tra quyết liệt hơn”.
Không chỉ trên các sàn mà nhiều trang web chuyên về OTC cũng thường xuyên quá tải và nghẽn mạng. Trang web sanotc.com nâng cấp thường xuyên nhưng cũng không thể truy cập trong giờ cao điểm,vinaotc.com, otc24h.com... cũng gặp tình trạng này gần một tháng nay.
Giao dịch trực tuyến đang được nhiều Cty chứng khoán hướng đến như một giải pháp tốt nhất để hạn chế quá tải, nhưng làm như vừa qua thì quả là “lợi bất cập hại”.
Theo Baotienphong