Đó là trao đổi của bà Huỳnh Mỹ Loan, Giám đốc Tài chính, công ty Cổ phần VNG, với ICTnews khi nói về những khó khăn của chính sách thuế mà doanh nghiệp CNTT đang gặp phải.
|
Công ty cổ phần VNG
|
Theo VNG, nên quy định thế nào là doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT, bởi hoạt động TMĐT hiện nay lại không được xếp vào loại doanh nghiệp này?
Luật CNTT đã xác định rõ: “Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, công nghệ và công cụ kỹ thuật hiện đại để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số. Nghị định 71/2007/NĐ-CP đã xác định rõ các ngành công nghiệp Công nghệ thông tin gồm Công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số”.
Vì vậy, cụm từ CNTT cần hiểu theo đúng khái niệm đã được xác định trong luật gồm: các loại hình thiết kế, chế tạo sản phẩm phần cứng; lắp ráp, gia công sản phẩm phần cứng; hoạt động thiết kế, sản xuất và cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số và hoạt động cung cấp, thực hiện các dịch vụ nội dung thông tin số…
TMĐT là loại hình hoạt động trên nền tảng sẵn có của công nghệ thông tin, là hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại đã được Luật CNTT quy định tại Mục 3 Chương II Luật CNTT.
Về chính sách thuế hiện nay với DN CNTT có khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hay không? Những vướng mắc nào cần được tháo gỡ?
Chính sách thuế với DN CNTT hiện nay có nhiều khó khăn vì chính sách thuế mới chỉ áp dụng cho doanh nghiệp dịch vụ sản xuất phần mềm, còn các ngành nghề khác chưa được áp dụng. Vì vậy gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Đa phần doanh nghiệp CNTT chưa được hưởng ưu đãi này.
Chúng tôi thấy các vướng mắc cần được tháo gỡ như: Lĩnh vực cần được áp dụng Công nghệ thông tin gồm: hoạt động sản xuất và dịch vụ phần mềm; hoạt động sản xuất và dịch vụ nội dung số; hoạt động công nghiệp phần cứng.
Có những ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp CNTT, cụ thể ở các hạng mục: Ưu đãi thuế: miễn 4 năm, giảm tiếp 9 năm, thuế xuất 10%; Ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho nhân sự làm trong doanh nghiệp công nghệ thông tin; Ưu đãi VAT cho doanh nghiệp CNTT: 5%.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện thuế TNCN áp dụng với nhân lực CNTT gây rất khó khăn cho việc tuyển dụng nhân lực cho các doanh nghiệp, VNG có ý kiến góp ý nào không?
Đúng như vậy. Internet là môi trường mở, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có lợi thế về kỹ thuật, vốn, lại không bị ràng buộc bởi pháp luật trong nước, nên họ có ưu thế lớn, nhân sự công nghệ thông tin bị hút theo các doanh nghiệp này vì ở đó có các cơ hội nghề nghiệp, lương, cơ hôi thăng tiến nhiều hơn. Điều đó gây khó khăn cho việc tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam.
Để hạn chế tình trạng này, doanh nghiệp CNTT Việt Nam, bên cạnh những nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cùng sự hỗ trợ của sách chính sách thuế như đã nêu ở trên, thì cũng cần có chính sách ưu đãi thuế cho nhân sự công nghệ thông tin trong phần thuế Thu nhập cá nhân.
Nhiều DN CNTT trong nước cũng cho rằng đang có sự không công bằng về áp dụng thuế đối với DN CNTT trong nước với các DN CNTT nước ngoài như Facebook, Google… và nhiều doanh nghiệp trong nước đã “lách” bằng cách chuyển trụ sở ra nước ngoài. VNG nhận định về vấn đề này thế nào?
Sự bất bình đẳng giữa và DN CNTT nước ngoài không chỉ về mặt thuế như đã nói ở trên. DN CNTT trong nước không được ưu đãi mà còn phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các DN CNTT nước ngoài như Facebook, Google,... với lợi thế vốn, công nghệ, nghiêng hẳn về phía họ. Do đó, ngay từ đầu doanh nghiệp CNTT trong nước đã ở thế bất lợi so với DN CNTT nước ngoài. Hơn nữa, có một số trường hợp lựa chọn giải pháp biến mình thành DN CNTT nước ngoài và được hưởng những lợi thế (ít nhất là về thuế trong môi trường CNTT) để có thể đối phó được với tình hình cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Theo Ictnews.vn