Theo thông tin từ Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TP Hồ Chí Minh (HSIA), trong những năm qua, Việt Nam đã có các chương trình, đề án thúc đẩy phát triển ngành vi mạch trong nước. Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa nhiều do thiếu chính sách thực hiện cụ thể.
Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển ngành công nghiệp này, đặc biệt là sự phát triển và đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất vi mạch bán dẫn Việt Nam, cuối tháng 9, một hội nghị quốc tế về chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn được tổ chức. Hội thảo chia sẻ và thảo luận các chiến lược quan trọng cùng những thách thức và cơ hội trong việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.
Các chuyên gia trong ngành đánh giá, đây sẽ là cơ hội để cụ thể hóa chiến lược thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn nói riêng và công nghiệp điện tử tại Việt Nam nói chung. Đồng thời, tiến đến mục tiêu xây dựng được các khu công nghệ cao trên cả nước có thể trở thành địa điểm lý tưởng của các nhà đầu tư.
Chia sẻ trong khuôn khổ hội thảo nói trên, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết, ngành công nghệ bán dẫn đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ. Hiện sản phẩm vi mạch bán dẫn được đưa vào danh mục 9 sản phẩm trọng điểm quốc gia thông qua các chương trình đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu sản phẩm công nghệ bán dẫn sẽ tăng mạnh ở Việt Nam với doanh thu có thể đạt 2 tỉ USD/năm.
|
Công nghệ bán dẫn tại Việt Nam còn có nhiều cơ hội phát triển. Ảnh: Internet
|
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp ngành vi mạch bán dẫn tại việt Nam có thể tiếp cận thị trường khu vực và thế giới, Việt Nam cần xây dựng danh mục sản phẩm chiến lược, lựa chọn sản xuất những sản phẩm vừa sức để tạo thị trường bước đầu. Đồng thời, các doanh nghiệp cần hợp tác với các trường Đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cụ thể của ngành.
Trong thời gian qua, chúng ta đã và đang thực hiện chiến lược ưu tiên cho việc đầu tư sản xuất bán dẫn, cụ thể là kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành công nghiệp này tại Việt Nam, đòi hỏi đầu tư tài chính phải mạnh hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa, phân bổ các tài nguyên hay quan hệ đối tác với các thị trường vi điện tử đã phát triển cũng cần được chú trọng.
Hiện tại, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về phát triển vi mạch với nhiều nhà máy sản xuất và có hệ sinh thái vi mạch phát triển. Tuy nhiên, thủ đô Hà Nội lại chưa tận dụng được các thế mạnh của mình về nguồn nhân lực với nhiều viện nghiên cứu và trường đại học để phát triển hệ sinh thái và ngành công nghiệp này tại các cụm, khu công nghệ cao.
Cũng trong tháng 9, Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) đã ký kết hợp tác với HSIA và Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc nhằm thúc đẩy trao đổi các thông tin giữa các bên trong các lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn. Đồng thời, khuyến khích và tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, sản xuất, phân phối và dịch vụ… Đặc biệt là hỗ trợ, quảng bá hình ảnh của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tới các nhà đầu tư.
Theo Ictnews.vn