Website giả mạo, lừa đảo trúng thưởng nổi lên là một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong không gian mạng thời gian qua khiến nhiều người dùng cả tin bị mất tiền oan. Cuối tháng 8/2015, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an thành phố Hà Nội đã bước đầu công bố danh sách 78 website lừa đảo kiểu như nhangiaimessenger.com hay nhangiaifacebook.net với mục đích kêu gọi các nạn nhân đến cơ quan trình báo, phục vụ công tác điều tra.
Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng PC50, thủ đoạn lừa đảo với những website giả như trên là nhắn tin với nội dung thông báo chương trình trúng thưởng trị giá lớn như xe máy SH, Liberty cùng 100 triệu đồng tiền mặt... đến các nạn nhân, hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các website mà chúng tạo lập. Sau đó, các nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu khai báo thông tin cá nhân của “người trúng thưởng” để chiếm đoạt, đồng thời yêu cầu gửi tiền (thường thông qua việc mua thẻ điện thoại) từ 1,5 - 10 triệu đồng để làm thủ tục trúng thưởng... Với thủ đoạn như trên, đã có hàng trăm người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có trường hợp bị lừa đến hàng trăm triệu đồng.
“Hình thức này về thủ đoạn thì không mới, dựa trên tâm lý thu được lợi lớn của người sử dụng để lừa đảo, nhưng do thay đổi cách thức nên vẫn có nhiều người bị lừa”, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav nhận định.
|
Thủ đoạn lừa đảo với những website giả mạo là nhắn tin với nội dung thông báo chương trình trúng thưởng trị giá lớn như xe máy SH, Liberty, cùng 50-100 triệu đồng tiền mặt... đến các nạn nhân, hướng dẫn các nạn nhân truy cập vào các website tự tạo lập. Nguồn: Internet.
|
Trước vấn nạn nhức nhối, lực lượng công an trên cả nước đã tăng cường mở rộng điều tra, triệt phá đường dây, nhóm đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua website giả mạo. Dưới đây là 3 lần phá án thành công tiêu biểu của lực lượng công an từ đầu năm 2015.
Vụ lừa đảo qua tin nhắn Zalo ở TP.HCM
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin vào tháng 4/2015, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp 3 đối tượng lừa đảo tinh vi bằng cách nhắn tin trúng thưởng qua Zalo, một ứng dụng mạng xã hội được nhiều người cài đặt và sử dụng trên điện thoại tại Việt Nam.
Ba đối tượng bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" chỉ trên dưới 20 tuổi, cùng ngụ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trong đó kẻ cầm đầu nhóm này từng có 2 tiền án về tội cướp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của chúng là nhắn tin qua mạng Zalo cho rất nhiều người với nội dung thông báo trúng thưởng xe và tiền mặt.
PC46 cho biết, hiện có nhiều đường dây, băng nhóm khác nhau lừa đảo bằng chiêu thức nhắn tin trúng thưởng qua mạng Zalo. Mặc dù ban quản trị của mạng Zalo và một số phương tiện truyền thông đã có cảnh báo về cách thức lừa đảo này nhưng không ít người sử dụng mạng xã hội này tưởng thật và sập bẫy.
117 website lừa đảo chiếm đoạt 8,3 tỷ từ Quảng Nam
Vào đầu tháng 9/2015, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội công bố vừa triệt phá một đường dây lừa đảo với thủ đoạn lập website giả mạo để bẫy người dùng các mạng xã hội và dịch vụ OTT như Facebook, Zalo, Viber… Đường dây do 11 đối tượng thường trú tại thị trấn Hiệp Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thực hiện, lập ra 117 website khác nhau và chiếm đoạt lên đến 8,3 tỷ đồng.
Trong đó, đối tượng đóng vai trò tổ chức đã tiêu thụ số mã thẻ do lừa đảo mà có được. Sau khi nhận được tiền, đối tượng cầm đầu hưởng 5-6% tổng giá trị thẻ chiếm đoạt được tương đương 550 triệu đồng, số tiền còn lại chia cho các đối tượng tham gia hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng thông qua website thông báo trúng thưởng.
Khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã sử dụng tài khoản Facebook để gửi tin nhắn trúng thưởng nhằm thu hút người dùng truy cập vào các website giả mạo. Sau đó người dùng bị yêu cầu nhập thông tin cá nhân như chứng minh thư nhân dân, năm sinh, địa chỉ, tài khoản mật khẩu Facebook…, rồi các đối tượng buộc nạn nhân gửi 3 mã thẻ điện thoại có mệnh giá 500.000 đồng với lý do làm 3 “bộ hồ sơ gốc” để nhận giải. Sau khi làm theo và liên hệ lại, người dùng tiếp tục nhận được yêu cầu gửi thêm từ 3 triệu đồng đến 30 triệu triệu đồng với lý do đóng thuế VAT, làm phí vận chuyển, nhận mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận thưởng. Sau khi thực hiện xong giao dịch, các đối tượng liền bẻ SIM, hủy điện thoại nhằm tránh sự truy lùng của cơ quan công an.
Để rút lại lượng tiền mặt từ số thẻ cào đã chiếm đoạt được, các đối tượng đăng ký tài khoản và nạp mã thẻ vào nhiều tài khoản trên hệ thống thanh toán trung gian Bảo Kim hoặc Vippay để che mắt các cơ quan điều tra. Sau đó, tiền mặt quy đổi được sẽ được chuyển lại vào tài khoản cá nhân của một đối tượng. Do chiết khấu hệ thống từ 18-21% giá mã thẻ nạp nên số tiền thực tế nhận lại chỉ còn 79-82% giá trị thẻ nạp đã chiếm đoạt ban đầu.
Vụ lừa đảo 507 triệu ở Đà Nẵng
Mới đây vào sáng 1/10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an thành phố Đà Nẵng đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với 3 đối tượng về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng mua 1 CMND có tên Nguyễn Lê Duy ở tiệm cầm đồ và dùng để mở tài khoản, sau đó lập trang web mang tên 123zaloapp.com với nội dung lừa đảo “Bạn đã trúng thưởng 1 chiếc xe Liberty và 1 phiếu quà tặng trị giá 100 triệu đồng”.
PC46 xác định từ tháng 4/2014 đến nay, 3 đối tượng nói trên đã lừa đảo của nhiều bị hại với số tiền được xác định là 507 triệu đồng.
Theo Ictnews.vn