Trình bày tham luận trong Hội thảo toàn cảnh Công nghệ thông tin – Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam hôm 24/9/2015, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam Chu Tiến Dũng khi kết thúc phần trình bày đã nói rằng “nếu vẫn nghĩ là nhà nước phải triển khai các vấn đề này [xây dựng thành phố thông minh] thì tôi cho rằng không đủ tiền, không đủ lực, và không thể nào theo kịp tiến độ xây dựng các thành phố thông minh. Nếu xác định cơ hội này là toàn xã hội tham gia và có những cơ chế thích hợp để từng thành tố có có điều kiện tham gia, chủ động tham gia, chủ động đóng góp, thì chúng ta sẽ thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn và nhà nước không phải bỏ tiền ra nhưng vẫn có cái phục vụ cho dân.
|
Ông Chu Tiến Dũng trình bày trong hội thảo hôm 24/9 - Ảnh: H.Đ
|
Trước đó, khi đề cập đến các chủ trương chính sách liên quan đến xây dựng thành phố thông minh, ông Dũng nêu “hai quyết sách rất quan trọng” của Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT là vấn đề thuê mua dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư. Ông cho rằng, hai quyết sách này sẽ là cơ chế để triển khai giao thông thông minh, và ngành giao thông từ bộ đến địa phương đang rất quan tâm để xây dựng hệ thống giao thông thông minh.
Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam 2015 do Hội tin học TP.HCM tổ chức, với chủ đề chính năm nay là giao thông thông minh, một nền tảng của thành phố thông minh. Ông Dũng mở màn hội thảo với bài tham luận “Tổng quan về ứng dụng IoT và thực tế triển khai trong giao thông thông minh Việt Nam”.
Trong phần phát biểu khai mạc, ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM cũng nêu vấn đề kinh phí khi xây dựng thành phố thông minh. Ông Hỷ cho rằng ngoài các giải pháp công nghệ vốn được nêu nhiều trong các hội thảo, thì vấn đề cấp bách chính là vốn, tài chính sử dụng để xây dựng thành phố thông minh.
Cũng là một yếu tố nằm trong thành phố thông minh, giao thông thông minh được ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc công ty Sao Bắc Đẩu, đánh giá là bài toán khó. Vì vậy, để giải quyết bài toán này đòi hỏi các thành phần kinh tế tham gia, đòi hỏi các doanh nghiệp, đòi hỏi sự chung tay của người dân cũng như quyết tâm cao của tất cả các bên.
Ông Phạm Vũ Trung, giám đốc khối giải pháp hạ tầng, công ty CMCSI Sài Gòn, phân tích, nếu cắt ra thành từng phân đoạn thì bài toán lớn có thể chia ra thành nhiều công đoạn, thành những dự án nhỏ và có thể triển khai ngay.
Ví dụ như việc giảm kẹt xe, ông Trung đưa ra giải pháp là cơ quan nhà nước cần quyết định đầu tư cho dự án xử lý kẹt xe, còn doanh nghiệp sẽ tham gia xây dựng công nghệ, giải pháp thu thập thông tin và truyền tải đến những nơi có thể ra quyết định xử lý hiện tượng đó. Đối với người tham gia giao thông sẽ cần có thiết bị (chẳng hạn thông qua điện thoại di dộng có kết nối) có thể tiếp nhận thông tin từ ban quản lý để chọn con đường đi tốt nhất.
“Thuận lợi của các doanh nghiệp là luôn tiếp cận những công nghệ mới, có những giải pháp phù hợp nhưng khó khăn là chúng tôi không có quyền quyết định là sẽ làm gì trong tương lai. Doanh nghiệp luôn mong mỏi sự định hướng, điều phối của các đơn vị chủ quản nhà nước để sao cho năng lực của các doanh nghiệp sẽ phù hợp với những định hướng chung của các cơ quan quản lý”, ông Trung chia sẻ.
Theo Ictnews.vn