Là một danh cầm được mệnh danh người cuối cùng nắm giữ, bảo tồn những giá trị đờn ca tài tử, bước vào tuổi 90, ông bắt đầu làm quen với những khái niệm CPU, chuột, email, website, ADSL với mong muốn truyền lại cho thế hệ trẻ những sở đắc của mình về âm nhạc dân tộc...
Khách lãng du trên phím tơ
Trong những nghệ nhân theo nghiệp đờn ca tài tử, nếu đề xuất kỷ lục Việt Nam, có lẽ, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là người sở hữu kỷ lục về số lần “bái sư” nhiều nhất. Hơn 200 người thầy với những ngón đàn tuyệt kỹ trên khắp ba miền đất nước đã hun đúc nên một Nguyễn Vĩnh Bảo hôm nay.
Thuở còn là cậu bé lên 5, ông đã bắt đầu tự làm quen với nhạc cụ. Năm năm sau đó, cậu bé ấy đã tự chọn gỗ, đóng được đàn. Tinh thông âm luật, am tường chất gỗ, ông đã cải tiến đàn tranh xưa từ 16 dây thành đàn tranh 21 dây hiện nay để tiếng đàn có thêm nhiều cung âm, điệu thức.
Hiểu đàn như hiểu chính mình, vị nhạc sư này có thể dùng thanh âm của hầu hết các loại nhạc cụ, từ đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn kìm đến guitar, mandoline... để gửi vào đấy những xúc cảm của cuộc sống. Đúng như cách ông tự trang trải với chính mình: “Nhả chút tơ tằm lên phím nhạc/ Gửi vào cung bực ít tâm tư”.
Người học trò bị từ chối
Chuyện xảy ra cách đây 3 năm, khi người con gái, theo lời của ông, mua về một dàn máy vi tính. Tuy nhiên, khi dàn máy đã được lắp ráp hoàn chỉnh, ông lại phải đối diện với một khó khăn cực kỳ lớn: Gia đình không cách gì mời được thầy dạy cho ông. Từ gia sư thứ nhất đến gia sư thứ tư, người nào gặp mặt “học trò” đều tìm cách từ chối. “Chắc họ chê tôi quá già” - ông đùa.
Mất cả tháng sau, vị gia sư thứ năm mới xuất hiện và đồng ý song hành cùng ông trong việc khám phá thế giới máy vi tính.
Tìm được thầy khó khăn như thế nhưng chỉ theo học 15 ngày, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã cảm ơn và... thanh toán học phí cho người thầy đáng tuổi cháu mình rồi tự mày mò. Ông khoe, ngoài vị gia sư ấy, ông có rất nhiều “thầy nhí”, là những đứa trẻ trong xóm. Mỗi lần sang nhà chơi, chúng đều chỉ ông vài “chiêu” mới.
Khám phá được tính năng nào, ông đều ghi chép, đánh máy lại từng thao tác như một cách thực hành. Thông thạo Anh- Pháp ngữ nên ông có thể “nói chuyện” với máy, việc sử dụng máy vi tính cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
Lớp học online
Khi đã làm bạn được với máy vi tính, thế giới dường như mở rộng trong căn phòng nhỏ của ông. Ngày nào, ông cũng dành thời gian đọc web. Với kiến thức âm nhạc của mình, ông hình thành nên một hệ thống ký âm riêng cho các nốt nhạc dân tộc. Cách làm này vừa giúp cho các học trò phương Tây dễ tiếp cận với nhạc dân tộc theo phương pháp ký âm của Tây nhạc, nhưng cũng bảo đảm giữ được những đặc tính “nhấn nhá” của nhạc dân tộc.
Trên desktop của máy, ngoài biểu tượng của Skype, Yahoo! Messenger... icon những phần mềm rất chuyên nghiệp như Quickcame pro-5000, Sound recorde- pro... đều có mặt. Hỏi ra mới biết, những phần mềm ấy đều phục vụ cho việc truyền nghề của vị lão nhạc sư này.
Mái đầu bạc trắng, đôi bàn tay xương xương... rê chuột, giao diện của Yahoo! Messenger được mở ra. Ông chỉ cho tôi nick của những học trò từ khắp năm châu của mình. Có những nick name thuần Việt, nick nửa Tây, nửa Việt và cả tên của người nước ngoài trong “friend list” của ông. Họ cùng “đến lớp” để học từ tranh, kìm, nhị cho đến guitar, violon...
Bên này, thầy so dây, nhấn nhả từng điệu đàn thì bên kia, học trò theo dõi rồi đàn lại để thầy cho ý kiến. Ông cho biết: “Học và dạy đờn ca tài tử không giống với những bộ môn nghệ thuật khác. Không có bài bản, lớp lang, thầy đờn theo kiểu này nhưng lần khác, biểu diễn cũng bản đờn đó nhưng lại theo một cách khác, tùy vào cảm hứng của người nghệ sĩ lúc đó”. Vì điều này mà lắm khi, những học trò người nước ngoài của ông tròn xoe mắt. Thầy trò lại phải dùng phần mềm ghi âm chuyên dụng, thu lại bản đờn của mình rồi gởi cho nhau.
Đón nhận cuộc sống
Địa chỉ e-mail vb1908@... của ông nhận được rất nhiều thư điện tử của học trò. Nào là thư hẹn giờ online để lên lớp, thư hỏi về nhạc lý, cả những lá thư tâm sự, chia sẻ chuyện buồn vui với thầy. E-mail nào, ông cũng hồi âm và in ra, lưu giữ trong tập tài liệu riêng của từng học trò như một cách lưu giữ lại tình cảm của người phương xa. Những bài thơ ứng đối, họa vần... của những người bên kia màn hình đã khiến tuổi già của ông ấm áp hẳn.
Mến tài, mến đức người thầy đáng kính, học trò của ông đã thiết kế cho nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo một website riêng. Tên miền www.vinhbaotheonly1.net dành tặng cho vị nhạc sư hết lòng với đờn ca tài tử có lẽ cũng không quá lời.
Hơn 80 năm nặng nợ với phím đàn nhưng niềm say mê và xúc cảm của ông với từng âm điệu vẫn chưa bao giờ thay đổi. “Mỗi khi chơi nhạc, toàn thân tôi như trong suốt” - vị nhạc sư đáng kính chia sẻ.
Có lẽ, vì cảm nhận đặc biệt ấy mà ông có thể tận tâm với cung đàn, nốt nhạc, như lời ông là “đón nhận cuộc sống với những nhu cầu tối thiểu mà vẫn tròn đầy hạnh phúc”.
Theo Nhân dân