|
Lễ công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN diễn ra ngày 8/9/2015 tại Hà Nội (Ảnh: Phạm Giang)
|
Tham dự lễ công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN còn có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đại sứ một số nước ASEAN tại Việt Nam…
Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia cho biết, hướng tới việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN, trụ cột tiên phong trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, các quốc gia ASEAN đã triển khai hàng loạt biện pháp cụ thể, trong đó có việc tập trung triển khai thiết lập và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, công cụ thuận lợi hóa thương mại và góp phần đưa ASEAN trở thành một cơ sở sản xuất và một thị trường chung.
Bên cạnh cam kết hội nhập khu vực, xuất phát từ nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư và kinh doanh, đảm bảo vị thế của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã xác định cần cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực coi đây là một trong nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong giai đoạn hội nhập. Trong đó, việc thực hiện thành công Cơ chế một cửa quốc gia được coi như là một công cụ chính của các cơ quan Chính phủ trong tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải quốc tế cũng như sớm kết nối Cơ chế một cửa ASEAN đã được các cấp lãnh đạo Chính phủ quan tâm theo dõi sát sao và chỉ đạo quyết liệt.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia cho hay, quá trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam gồm 3 giai đoạn, trong đó: giai đoạn 1, kết nối các Bộ Tài chính, Công Thương và GTVT; giai đoạn 2, kết nối các Bộ NN&PTNT, TN&MT và Y tế; giai đoạn 3, kết nối các Bộ KH&CN, TT&TT và VHTT&DL.
Cụ thể, ở giai đoạn 1, thủ tục hải quan được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên toàn quốc dựa trên hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS kèm theo Cổng thanh toán điện tử đối với thuế áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, lệ phí làm thủ tục hải quan.
Trong 2 tháng cuối năm 2014 và tháng 5/2015, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các Bộ GTVT, Công Thương chính thức triển khai nhiều thủ tục hành chính một cửa liên quan đến các lĩnh vực: quản lý tàu biển xuất cảnh/nhập cảnh/quá cảnh tại 5 cảng biển quốc tế; thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu có xuất xứ ASEAN (C/O mẫu D) theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu mô-tô phân khối lớn; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu đối với các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; các thủ tục hành chính lĩnh vực đăng kiểm.
Tính đến ngày 27/8/2015, đã có 1.936 doanh nghiệp thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, với tổng số 9.435 hồ sơ. Về thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D, hiện có 1.647 hồ sơ đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Và từ 25/5 cho đến 27/8/2015, đã có 165 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng cho mô tô, xe máy, động cơ, xe đạp điện được thực hiện cho 56 doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Trong giai đoạn 2, theo kế hoạch, từ 4/6/2015 đến hết năm nay, Cơ chế một cửa quốc gia tiếp tục mở rộng kết nối với các Bộ NN&PTNT, TN&MT, Y tế. Các bộ này đang thực hiện đào tạo cho doanh nghiệp kết hợp với việc thí điểm từng bước để có thể triển khai diện rộng vào cuối năm 2015.
Với giai đoạn 3, theo yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia, các Bộ KH&CN, TT&TT, VHTT&DL bắt đầu kết nối Cơ chế một cửa quốc gia vào tháng 10/2015. Thực hiện yêu cầu này, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tích cực phối hợp với 3 bộ trên tiến hành rà soát thủ tục, thiết kế hệ thống CNTT, đào tạo cho doanh nghiệp và công chức thừa hành. Đến ngày 8/9/2015, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, có thể kết nối 3 bộ trên tham gia Cơ chế một cửa quốc gia ở các lĩnh vực: Kiểm tra chất lượng đối với các hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục kiểm tra chất lượng của Bộ KH&CN; Cấp phép nhập khẩu thiết bị phát, thu sóng vô tuyến điện của Bộ TT&TT; Đồ chơi trẻ em nhập khẩu thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ VHTT&DL. Các thủ tục này sẽ được triển khai trong giai đoạn từ tháng 9/2015 đến hết năm 2015 để rút kinh nghiệm và mở rộng cho các lĩnh vực khác trong phạm vi quản lý của 3 Bộ.
Đối với việc tham gia Cơ chế một cửa ASEAN, thường trực Ban chỉ đạo quốc gia nhấn mạnh: với vai trò là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia các nhóm làm việc của ASEAN trong khuôn khổ triển khai Cơ chế một cửa ASEAN ngay từ thời điểm xây dựng dự thảo Hiệp định, Nghị định thư và đưa nội dung của các điều ước này vào thực hiện khi được Chính phủ các nước thành viên phê chuẩn.
Kết quả, về mặt pháp lý, hiện nhiều nước thành viên ASEAN trong đó có Việt Nam đã hoàn thành rà soát pháp lý và nội luật hóa các quy định để triển khai Cơ chế một cửa ASEAN. Các nước thành viên cũng đã ký Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, nền tảng pháp lý hoàn chỉnh để Cơ chế một cửa ASEAN chính thức vận hành trong năm 2015.
Còn về mặt kỹ thuật, hiện đã có 7 nước thành viên ASEAN gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng cam kết. Năm nước thành viên gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã sẵn sàng cho việc kết nối Cơ chế một cửa ASEAN từ tháng 12/2015.
Bắt đầu từ 17/8/2015 tới giữa tháng 9/2015, trong khuôn khổ Dự án thí điểm Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã lần lượt thực hiện thành công kết nối kỹ thuật và trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giữa Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam và Cơ chế một cửa quốc gia của Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Theo kế hoạch, hết tháng 10/2015, toàn bộ 5 nước thành viên gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ hoàn tất kết nối kỹ thuật để sẵn sàng kết nối đầy đủ vào tháng 12/2015.
Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia cũng cho biết, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN trong thời gian tới sẽ chia thành 2 giai đoạn với định hướng tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể.
Trong đó, giai đoạn cuối năm 2015, cùng với việc củng cố các thủ tục hành chính đã triển khai và lan tỏa trên phạm vi toàn quốc cho các đối tượng có liên quan; sẽ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với các thủ tục hành chính một cửa quốc gia đã kết nối chính thức; đồng thời tập trung kết nối Cơ chế một cửa ASEAN và trao đổi thông tin về Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN (C/O mẫu D) và thông tin tờ khai hải quan ASEAN (ACDD) với 4 nước đã sẵn sàng gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.
Với giai đoạn 2, từ năm 2016 đến 2020, sẽ mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia cho tất cả các Bộ, ngành về phạm vi, đối tượng; Toàn bộ các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia được triển khai dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức 4; kết nối đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN và sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với các đối tác thương mại ngoài ASEAN để tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam và tăng cường kiểm soát đối với hàng nhập khẩu.
Theo Ictnews.vn