|
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch VFOSSA
|
Bài viết đăng tải trên ICTnews của Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi MOSWC Việt Nam chỉ ra sức quảng cáo, khuếch trương cho cuộc thi mà ông cho là rất có ý nghĩa, rất đáng tự hào... Tuy nhiên, yêu cầu rất đơn giản và duy nhất của “thư ngỏ” với Ban Tổ chức là hãy dịch tên tiếng Việt của cuộc thi cho đúng tên gốc tiếng Anh của nó từ nay về sau thì Trưởng Ban Tổ chức hoàn toàn phớt lờ!? Phải chăng đây là cách mà Ban Tổ chức định đánh hỏa mù dư luận bằng những lời hoa mỹ, to tát, đi vòng vo để né tránh một yêu cầu đơn giản và chính đáng của một tổ chức xã hội nghề nghiệp (VFOSSA)? Người đọc tinh ý sẽ hiểu ra ngay rằng đề nghị này tưởng chừng rất đơn giản, song hình như nó lại đánh trúng thâm ý của Ban Tổ chức là cố tình "đánh lận con đen" để cuộc thi của IIG và chứng chỉ kỹ năng do họ cấp trở thành chứng chỉ hợp pháp và duy nhất cho kỹ năng Tin học văn phòng ở Việt Nam!
Trong bài diễn văn rất hùng hồn của Trưởng Ban Tổ chức, chúng tôi để ý một chi tiết mà ông rất tự hào. Đó là khi nói đến quy mô ngày càng lớn của cuộc thi qua 6 năm cắm rễ tại Việt Nam, ông viết: “Đặc biệt, năm 2015, MOSWC đã thay đổi lớn về quy mô và chất lượng và thu hút 260 trường tham gia, 1.300.000 học sinh, sinh viên đã được tiếp cận với cuộc thi”. Với phần đông độc giả, đây là con số thật ấn tượng. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng nó lại ẩn chứa đằng sau một thông tin đặc biệt vui mừng cho Microsoft và đặc biệt đáng lo ngại cho chúng ta: không tốn một chút công sức nào, không xuất đầu lộ diện, ấy vậy mà chỉ với một cuộc thi năm nay, Microsoft đã "tuyển " được tại chỗ 1,3 triệu khách hàng Việt Nam tương lai, hăm hở, say mê tìm hiểu và sử dụng hệ điều hành và bộ phần mềm văn phòng vốn được mệnh danh “con dao pha kiếm tiền” của Microsoft! Một “ phi vụ” tuyệt vời cho Microsoft mà họ không tốn một xu! Còn chúng ta, với mỗi cuộc thi, lực lượng lao động Việt Nam sẽ lại được bổ sung hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu “con nghiện” tiềm năng những phần mềm thương mại độc quyền của Microsoft. 1,3 triệu người thi sẽ tương ứng với 1,3 triệu PC cài đặt Windows và MSO. Bao nhiêu trong số PC này cài đặt phần mềm có bản quyền, bao nhiêu máy xài đồ crack? Là người Việt, chúng ta đều có thể ngầm đoán tỷ lệ đó là bao nhiêu. Tuy nhiên, với Ban Tổ chức, đó đã và sẽ không phải điều họ quan tâm, hoặc cố tình phớt lờ. Khi nào các ứng viên này vào đời với hành trang “chỉ có Microsoft mà thôi”, Microsoft sẽ thu lại đủ và có lời chắc chắn. Bài chơi của họ rất sâu xa và chúng ta theo đà này, sẽ mãi trong vòng luẩn quẩn, lệ thuộc vào phầm mềm độc quyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Giấc mơ “nước mạnh” sẽ mãi chỉ là giấc mơ!
IIG và công ty mẹ là Certiport cũng sẽ gặt hái lớn. Theo nguồn tin từ hệ thống đào tạo, với mỗi lần thi lấy chứng chỉ IC3, ứng viên phải trả lệ phí 1 đến 1,2 triệu đồng, không kể chi phí đào tạo và huấn luyện để thi đậu. Nếu IC3 là chứng chỉ duy nhất và bắt buộc với công chức, viên chức thì IIG sẽ tha hồ hốt bạc. Và điều đáng buồn là phần lớn số tiền mà người sử dụng phải chi trả này, cũng như số tiền bản quyền phần mềm Microsoft mà họ hoặc cơ quan họ sẽ phải trả trong tương lai sẽ tuồn ra nước ngoài, góp phần làm suy kiệt nền kinh tế nước nhà.
Trên đây là một số bình luận của chúng tôi về tin liên quan đến “Thư ngỏ” đã đăng trên ICTnews.vn, tờ báo điện tử uy tín của ngành CNTT nước nhà. Cảm ơn ICTnews.vn đã đưa tin nhanh và kịp thời. Hy vọng những bình luận này lại tạo ra một làn sóng dư luận mới, ngõ hầu giúp cho các nhà đương cục kịp nhìn nhận lại vấn đề và đưa mọi việc về đúng chỗ của nó, góp phần bảo vệ người sử dụng, đặc biệt là thế hệ trẻ, vì một xã hội công bằng và tiến bộ.
Theo Ictnews.vn