Thứ tư, 17/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 26/08/2015
Số phận của phần mềm “lậu” sẽ ra sao với Windows 10?

Windows 10 có thể là dấu chấm hết cho sự tồn tại của phầm mềm không bản quyền trong một thế giới của điện toán đám mây và thiết bị di động.

Gần đây, xuất hiện một số tin đồn rằng, Windows 10 có khả năng vô hiệu hóa các phần mềm và ứng dụng lậu. Dù thông tin trên là thực hay hư, cái chết của thị trường các ứng dụng không bản quyền đã được báo trước từ cách đây khá lâu. Hệ điều hành mới nhất của Microsoft có thể chỉ là đòn kết liễu cuối cùng.

Thời hoàng kim của phần mềm “crack”

Cách đây 30 năm, ngành công nghiệp máy tính cá nhân (PC) đánh dấu mốc quan trọng với sự ra đời của hệ điều hành Windows. Từ đó đến nay, thị trường PC liên tục được mở rộng từ các nước phát triển cho đến kém phát triển. Nhờ tính mở của mình, Windows dần trở thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới. Sự phổ biến đó có vai trò gần như tuyệt đối đến mức độ người ta mặc định gọi máy tính sử dụng Windows là PC. Hệ quả tất yếu là các nhà phát triển ưu tiên viết phần mềm, ứng dụng cho nền tảng Windows.

Đi cùng với sự bành trướng của thị trường PC, các ứng dụng bị bẻ khóa (crack) để sử dụng trái phép xuất hiện ngày một nhiều. Ngoài ưu điểm duy nhất là giá rẻ, phần mềm lậu ẩn chứa nhiều nguy cơ gây lỗi hệ thống cũng như khả năng bảo mật. Tuy vậy, ở nhiều thị trường, đặc biệt là các nước đang phát triển, nơi mà thu nhập trung bình của người dân chưa đủ để mua phần mềm “chính hãng”, tình trạng trên rất phổ biến và diễn ra công khai. Hệ thống pháp luật của các nước này cũng chưa đủ mạnh để siết chặt vấn đề sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền.

Suốt một thời gian dài, các nhà phát triển ứng dụng cũng như Microsoft đã cố gắng ngăn chặn hành động đó nhưng không hiệu quả.

Việc buôn bán, trao đổi phần mềm lậu vẫn diễn ra công khai ở những thị trường mới phát triển như  Việt Nam. (Ảnh minh họa)

iPhone và App Store thay đổi thói quen người dùng

Từ năm 2006 trở về trước, khi muốn tìm kiếm, sử dụng các ứng dụng, phần mềm cho thiết bị của mình, khách hàng thường phải truy cập vào trang chủ của nhà phát triển để tải về. Ở những quốc gia mà phương thức thanh toán trực tuyến còn chưa phổ biến, các đại lý ủy quyền là cách duy nhất để phân phối phần mềm. Do vậy, việc để sản phẩm tiếp cận những khách hàng có nhu cầu là việc không đơn giản.

Năm 2007, CEO Steve Jobs của Apple giới thiệu chiếc iPhone thế hệ đầu tiên. Một năm sau đó, App Store xuất hiện cùng với iPhone 3G. Đây là cửa hàng trực tuyến tập hợp các ứng dụng có thể cài đặt trên nền tảng iOS, được tích hợp thẳng vào hệ điều hành. Người dùng có thể tìm kiếm, đánh giá thông tin về ứng dụng mình cần cũng như tiến hành thanh toán một cách đơn giản, nhanh chóng, an toàn.

Đối với các nhà phát triển, phương thức phân phối sản phẩm thông qua kho ứng dụng vô cùng tiện lợi và kinh tế. Họ có thể tiếp cận với một thị trường toàn cầu ngay lập tức mà không phải tốn nhiều khoản chi phí như cửa hàng bán lẻ, kho chứa sản phẩm. Vì vậy, giá thành của ứng dụng hạ xuống rất nhiều so với cách kinh doanh truyền thống.

Năm 2010, thời điểm Apple giới thiệu chiếc máy tính bảng iPad đời đầu, App Store đã có 140.000 ứng dụng. Hiện tại, số lượng ứng dụng cho iPhone và iPad lên tới con số 1,2 triệu. Ra mắt vào năm 2009, Play Store, kho ứng dụng của Google dành cho các thiết bị Android cũng kịp vượt mặt đối thủ với 1,4 triệu ứng dụng trong nửa đầu năm 2015.

Mới đây, một số nhà sản xuất đã tích hợp dịch vụ thanh toán vào bộ cảm biến vân tay được tích hợp vào thiết bị như Apple Pay, Samsung Pay... Nhờ vậy, việc mua bán ứng dụng càng trở nên thuận tiện hơn.

Sự ra đời của App Store đã thay đổi hoàn toàn phương thức phát triển, kinh doanh ứng dụng 

Cũng giống như trên PC, thị trường ứng dụng không bản quyền dần phát triển cùng với sự mở rộng liên tục của thiết bị di động, nhất là ở những nước đang phát triển, nơi mà người dân vẫn còn giữ thói quen “dùng chùa” các ứng dụng CNTT.

Nhưng khác với máy tính truyền thồng, ứng dụng bất hợp pháp không thể tiếp cận người dùng dễ dàng như hàng chính chủ. Thay vì tải trực tiếp lên smartphone hay máy tính bảng từ App Store hay Google Play, khách hàng phải thay đổi một số tùy chỉnh trong thiết bị mới có thể cài đặt. Đối với một số phần mềm đặc biệt, thiết bị phải được root (đối với hệ điều hành Android) hay jailbreak (hệ điều hành iOS). Đây là những hình thức can thiệp rất sâu vào hệ thống mà không được phép của nhà sản xuất thiết bị. Tuy nhiên, những thủ thuật phức tạp như vậy không được nhiều người dùng phổ thông biết đến.

Bên cạnh đó, ưu điểm của các ứng dụng được phân phối qua kênh chính thức là liên tục cập nhật tính năng mới cũng như được hỗ trợ đều đặn. Chưa kể, Google hay Apple thường xuyên thay đổi chính sách bán ứng dụng theo hướng có lợi cho người dùng. Ví dụ, gần đây, Google cho phép dùng thử 2 tiếng đối với ứng dụng có phí. Nếu không thỏa mãn, người dùng có thể được hoàn lại tiền. Với mức chi phí không phải quá đắt đỏ, được hỗ trợ dịch vụ đầy đủ, việc mua các ứng dụng “chính chủ” là sự lựa chọn tốt hơn đối với các phần mềm crack.

Rõ ràng, thái độ và thói quen của đa số người dùng đối với ứng dụng bản quyền đang thay đổi kể từ khi iPhone ra đời.  

Số phận của phần mềm “lậu” sẽ ra sao với Windows 10?

Sự kiện ra mắt Windows 10 mang theo nhiều hy vọng của Microsoft. Với Windows 10, "gã khổng lồ xứ Redmond" muốn vực dậy cả ngành công nghiệp PC, thay đổi số phận của những chiếc Windows Phone, lập lại chỗ đứng của mình ở thị trường di động. Và một điều mà ít người nhận ra, trong thế giới “mobile first, clould first” (dịch vụ và đám mây là trên hết), Windows 10 sẽ là "kẻ đào mồ" chôn thị trường ứng dụng không bản quyền.

Windows 10 là nền tảng dành cho cả PC truyền thống và thiết bị di dộng. Các nhà phát triển có thể cung cấp các dịch vụ, ứng dụng của mình thông qua cửa hàng Windows Store của Microsoft. Trong tương lai gần, các phần mềm PC truyền thống như Photoshop, AutoCad, PhotoScape… sẽ đổ bộ lên Windows Store. Cũng giống như kho ứng dụng của Apple hay Google, người dùng sẽ có được những dịch vụ đầy đủ nhất khi mua ứng dụng hợp pháp.

Việc miễn phí nâng cấp Windows 10 sẽ tạo nên một thị trường rộng lớn các thiết bị sử dụng hệ điều hành này. Khi người dùng đã quen và ý thức được những lợi ích lớn khi dùng sản phẩm hợp pháp, việc ứng dụng “chùa” sẽ dần biến mất trên chính lãnh địa cuối cùng của mình là PC là lẽ đương nhiên.   

Windows 10 thực sự có khả năng đe dọa đến sự tồn tại của thị trường phần mềm lậu 

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0