|
Giám đốc công nghệ FPT Software Lê Hồng Việt và Đồng sáng lập, giám đốc phát triển và sáng tạo Yola Ngô Thùy Ngọc Tú giao lưu với sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội tại Đại học Bách khoa Hà Nội chiều ngày 18/8/2015.
|
Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ của cuộc thi tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói (S.M.A.C Challenge 2015) do FPT tổ chức.
Hai diễn giả chính của sự kiện này là Đồng sáng lập - Giám đốc Phát triển và Sáng tạo Yola Ngô Thùy Ngọc Tú (Top 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn) và Giám đốc công nghệ Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) Lê Hồng Việt.
Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm thực tế về quá trình học tập, xin việc của mình, các diễn giả còn phổ biến các bí kíp để CV hấp dẫn nhà tuyển dụng, bật mí cách kiếm được công việc với mức lương hàng ngàn USD ngay từ khi còn là sinh viên. Những xu hướng công nghệ hot và định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số hóa giọng nói cũng sẽ được chia sẻ chi tiết tại sự kiện.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có hơn 160.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiêp vẫn là rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT. Anh Lê Hồng Việt cho biết mỗi năm FPT Software cần tuyển từ 3.000 - 4.000 người, trong đó có khoảng 500 - 1.000 nhân viên phục vụ cho định hướng phát triển các dịch vụ mới trên nền công nghệ S.M.A.C.
Tuy nhiên, FPT Software vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng do thiếu hụt nguồn nhân lực có đủ kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật…) để tham gia vào các dự án với khách hàng nước ngoài.
“Các sinh viên mới ra trường có kỹ năng chuyên môn được đào tạo chưa sát với nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là kỹ năng làm việc và ngoại ngữ do thiếu cơ hội cọ sát với công việc thực tế trong quá trình học. Trong khi đó, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, đặc biệt là bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi, sinh viên đã hoàn toàn có thể tạo lập được kinh nghiệm, kỹ năng làm việc để bản CV xin việc sau này hấp dẫn nhà tuyển dụng”, Giám đốc công nghệ FPT Software nhận định.
Là một chuyên gia công nghệ, diễn giả Lê Hồng Việt cũng đã tư vấn chi tiết hơn cho sinh viên về cách phát triển ý tưởng, các bước hoàn thiện một sản phẩm công nghệ hiệu quả bởi lẽ đây là một trong những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp CNTT thường chú ý trong CV của ứng viên.
Diễn giả Ngô Thùy Ngọc Tú cho biết hiện nay cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên công nghệ trong lĩnh vực công nghệ giọng nói là rất lớn bởi lẽ các thiết bị, sản phẩm thông minh ngày càng trở nên phổ biến. Trước bối cảnh đó, sinh viên cần vạch ra lộ trình chi tiết và chuẩn bị sẵn sàng những kỹ năng cần thiết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Với chủ đề “Số hóa giọng nói”, S.M.A.C Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Tổng giá trị giải thưởng là 250 triệu đồng (bao gồm tiền mặt và nhiều giải thưởng bằng hiện vật). Ngoài ra, cuộc thi còn mang đến cho các bạn thí sinh nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures rót vốn đầu tư.
Để dự thi, ngoài việc yêu thích công nghệ, các bạn trẻ cần có kỹ năng lập trình cho di động và dịch vụ web (web Services). Mỗi đội thi cần có 3- 5 thành viên. Đặc biệt, S.M.A.C Challenge 2015 cho phép các thí sinh lập trình trên mọi nền tảng công nghệ. Mỗi đội tham gia sẽ được cung cấp một tài khoản Cloud từ ban tổ chức để viết các ứng dụng của mình. Từ nay đến hết ngày 31/8/2015, các bạn trẻ yêu thích công nghệ từ 18-30 tuổi trên toàn quốc có thể gửi đăng ký và bản mô tả ý tưởng tham gia S.M.A.C Challenge 2015 tại website smac.fpt.com.vn.
Theo Ictnews.vn